TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 000930489
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
Mỗi độ huỳnh mai
24.01.2011 11:31 - 1735

Xem hình
Dù là quy luật, là tuần hoàn của nắng gió, của chu chuyển tiết khí đất trời nhưng những ngày cuối chạp bao giờ cũng ùa về tươi tắn và rộn ràng cảm xúc từ những nhất loạt bừng thức, những rạo rực sinh sôi. Trên những rào giậu, vạt cỏ ven đường còn mấy ngấn bùn quăng quật sau mùa lũ qua mưa chưa rửa sạch, đã trồi lên lóng lánh chồi non lộc biếc. Và từ đâu chẳng rõ, mỗi lúc mỗi nhiều, rồi vô vàn ong bướm tràn về, vân vi bay, chập chờn bay, thật lạ lùng, chúng bay đến đâu muôn hoa đua nở đến đó, giăng trải từ góc phố đến nội đồng, từ ngõ nhỏ đến rừng xa… Cũng từ ngõ nhỏ đến rừng xa, nội đồng hay phố thị, trong ngập tràn hương sắc, mùa xuân phương nam ấm nắng không thể thiếu sắc vàng mai.


Đã ngàn năm qua, hoa mai luôn trang trọng có mặt ở nơi trân quý nhất của hồn người. Danh sĩ thời Bắc Tống, Lâm Pha yêu mai say đắm, trồng mai để sớm chiều bầu bạn. Còn Tống Huy Tôn (1108 – 1135), ông vua đam mê nhan sắc và hoa mai đến nỗi mất cả ngai vàng nhưng đã để lại cho đời bức danh họa “Két năm màu đậu trên cành mai” hiện là một báu vật ở Viện Mỹ thuật Boston - hoa mai làm ông bất tử!
Mai vàng.





 Ở nước ta, không mấy người yêu thơ, yêu hoa không biết hai câu trứ danh đượm vị thiền của Mãn Giác thiền sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Gần chúng ta hơn, danh sĩ Cao Chu Thần từng bật thốt: “Thập tải luận giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Con người tài hoa và kiêu bạc tót vời lại một đời cúi đầu lạy hoa mai- hoa, với phong vẻ và khí chất, sắc hương u nhã cao khiết của mình đã khiến Chu Thần tiên sinh một đời chiêm bái ngưỡng vọng! Còn danh nhân Đào Tấn yêu mai đến mức đặt tên hiệu của mình là Mộng Mai. Chưa hết, Đào Mộng Mai còn mơ cuộc vào cõi thọ của mình ôm ấp cùng hồn mai nơi núi mai: “Mai sơn tha nhật tàng mai cốt/ Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn”. Đúng là cuối cùng nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng kiệt xuất đã thỏa nguyện, sinh phần ông nơi núi Huỳnh Mai, Tuy Phước quê nhà trăm năm qua những cành mai núi đã ấp ui tàng mai cốt và tác mộng hồn!
Không riêng bậc trí giả, khách phong lưu, hoa mai tự bao đời cũng đã là loài hoa số một của mùa xuân. Trước đây, những người dân làm nghề đốt than quê tôi mùa tháng Chạp thường kèm theo trên hai giỏ của “gánh càn khôn quảy xuống ngàn” là những cành mai rừng trụi lá. Càng gần tết càng khéo giữ những nụ xanh đang hé, và cuộc nhọc nhằn mưu sinh vẫn luôn còn trong đón đợi mỗi hồn người giờ phút những nụ hoa bừng nở sớm xuân. Giờ không còn nghề than, vẫn nhiều người tháng chạp rủ nhau lên núi kiếm cành mai tết. Rồi truyền nhau cách thui gốc cành, xử lý nước cho kịp lúc mấy đợt nắng hanh hay sương giá, để mồng Một vào hoa. Người thích mai điểm, kẻ ưa rộ vàng cũng đều xem cành hoa đầu năm tươi tắn nở là điềm may mắn. Có người còn xem hoa, bói hoa - không hẳn mê tín, nó như một gieo quẻ đầu năm, cuộc “dự đoán” nhẹ nhàng điểm xuyết cho khởi đầu năm mới thêm trang trọng. Và do vậy, chưng mai cành luôn hấp dẫn dù bây giờ bàn dân thiên hạ đều biết trồng mai chậu, mai vườn.
Trồng để thấy vì sao cây mai có cốt cách sang quý, có câu mình hạc xương mai… Cây mai chỉ ưa đất phù sa pha cát của những dòng sông miền trung lũ dữ hay đất núi thanh phèn. Nước tưới cây cũng thanh sạch, nước nhiễm bẩn cây đầy nấm bệnh, nước phèn chua cây héo hắt rồi chết dần. Sểnh một ngày nước là cây có thể trút lá, nụ kim lụi sớm, và sâu bệnh, và sương muối, ngày nắng ấm khi rét mướt… Để từng nụ xanh óng nõn trồi lên trên cành ủ nhựa suốt mùa đông giá, những cành thô nhám ngoan cường đã lặng lẽ gom đầy nắng sớm sương khuya. Trồi lên mơn mởn tươi non để điểm vàng rưng rưng trong làn gió bấc kịp hồng đôi má thiếu nữ xuân thì và rực vàng ngập tràn nhà xuân, vườn xuân dưới nắng lọc, với mơn man mấy thoảng hơi nồm.
* * *
Từng ngày xuân rồi qua đi, những cánh mai vàng trên cành cứ nở, những cánh mai cũng rực vàng rơi quanh gốc mỗi ngày hay lả tả bay trong gió xuân, để rồi đến lúc “quanh gốc mai già xuân vắng vẻ/ Âm thầm thiếu nữ khóc hoa mai”. Có sinh là có diệt. Diệt để rồi lại sinh. Đó là bí ẩn của thời gian, là sự tồn tại của thời gian mà những nụ hoa năm ngoái cứ vĩnh viễn lùi xa khi trước mắt ta xuân này ngàn hoa đua nở, con người lại sững sờ trước cành xuân mới, chợt quên đi từng mảng nhỏ kiếp nhân sinh trôi mất tự bao giờ!
Mấy ngàn năm, mấy vạn năm rồi, mai?...
Cũng đã hơn chục năm qua, mỗi năm cứ từ rằm tháng chạp trở đi, trên đoạn Quốc lộ I dài vài chục cây số qua vùng An Nhơn, Tuy Phước của Bình Định, mai chậu tràn lên vệ đường mời chào những chuyến xe ra bắc vào nam. Hàng ngàn chậu mai xuân Bình Định đủ cỡ kích, dáng thế được ưa chuộng, chưng tết cho mọi miền. Có những toa tàu hàng cũng xếp kín mai hoa. Đã có một địa chỉ cho thương lái đổ về trên các làng hoa chuyên canh mai tết. Và đã có một thương hiệu mai: Háo Đức - cái làng mai tập trung khởi đầu của xã Nhơn An, bốn ngàn hộ dân đã có đến bảy mươi phần trăm chuyên canh cây mai. Cái làng, như người ta thích nói bây giờ: làng tỉ phú. Và thật lạ lùng, người làng tất cả đều thành nghệ nhân tạo tác gối đầu mỗi vườn cả ngàn chậu mai, đẹp đế gốc, dáng thế, giống hoa.
Háo Đức, cái làng nhỏ bên thành Hoàng Đế, nơi hạ lưu sông Côn mỗi năm bồi lắng một lượng phù sa lớn. Đất và nước thuận cho cây mai, đã hẳn. Nhưng hình như không chỉ vậy mà Háo Đức thành làng mai nổi tiếng khắp nước. Bởi cũng chỉ quanh quanh vài, năm chục cây số vuông vùng này đã có hàng chục làng nghề trứ danh: rượu Bàu Đá, nón Gò Găng, võ An Thái, gốm Gò Sành, rồi làng tiện Phương Danh, đúc đồng Đập Đá, làng cốm, làng mai… Tất cả châu tuần ngay vùng thành Hoàng Đế, vùng đất vua. Tất cả cùng hòa thanh cho phồn vinh một thuở kinh kỳ. Sao không, vẫn còn quanh vùng những cội mai già rợp kín sân vài ba trăm tuổi, vẫn còn trong truyền khẩu những cây mai lưu lạc từ vườn Thượng Uyển thuở binh đao ly loạn trên vùng đất vang động tiếng gươm khua ngựa hí những trận thư hùng đẫm máu… Giờ thì yên bình sắc vàng hoa rực rỡ, mới như nắng xuân mà mỗi nông dân- nghệ nhân chăm chút chuyển đến muôn nhà như lời chúc xuân đẹp đẽ, may mắn và an vui.
* * *
Nếu quan sát kỹ còn có thể thấy nơi cành nhánh, cả nơi búp hoa ít nhiều còn vương dấu bùn mấy cơn lũ lớn hàng năm. Ngoài nắng nung ngày hè, sương giá mùa đông, cây mai thêm một lần chịu đựng sự khắc nghiệt. Để rồi khi bong lớp vỏ trấu, khi từng nụ xanh rờ rỡ nhoài ra long lanh trong nắng chanh vàng, tất cả như áo mới tinh khôi chào đón tết. Tất cả, hoa và người, dù được mùa hay thất bát vì những rủi ro mùa màng, thời tiết, những nụ xanh rồi dâng tràn hết mình cho một lần trót hẹn với xuân.
Nghe từ xa xôi lắm, lời hẹn ước này, mỗi độ vàng mai…


Lê Hoài Lương (Theo Báo Bình Định)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:
Hoa Vô Ưu [18.11.2014 16:11]
MẸ VÀ SỮA [10.09.2011 14:54]
QUÊN NGƯỜI [27.07.2011 12:21]
BIỂN & NỖI NHỚ! [30.05.2011 10:39]
Tản văn cho biển [30.05.2011 07:39]
Gái Bình Định [29.05.2010 10:01]
Cộng rơm nhà Lý [09.09.2009 09:37]
Lang thang vùng ven [14.12.2008 09:20]
Tháng Ba nồm rộ * [21.04.2008 12:26]
Thơ Chăm (chùm thơ) [20.04.2008 20:09]



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2023 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn