Khái niệm Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế (phần 1)
27.08.2010 11:56 - 2766
Dựa trên thực tế lịch sử và những chứng cứ khoa học, các nhà nghiên cứu đã áp dụng khái niệm, mô hình MANDALA (các tiểu vương quốc) để giải thích về lịch sử và sự phát triển của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á, đặc biệt là những vương quốc cận hải và hướng biển. Trong bài viết này, tôi cố gắng tìm hiểu và tổng hợp những ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á về khái niệm, về mô hình Mandala và sự vận dụng mô hình này vào việc nghiên cứu lịch sử cổ xưa của khu vực Đông Nam Á
1. Mandala và sự khởi nguyên trong ý nghĩa tôn giáo thần thánh
Các nhà nghiên cứu về cơ bản đều cho rằng khái niệm mandala có nguồn gốc khởi nguyên là từ các tôn giáo, mà Rosita Dellios (1) gọi là “nguồn gốc thần thánh”(2). Không chỉ là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo và Hindu giáo, mandala còn là một thuật ngữ mang tính biểu trưng của Phật giáo Mật tông Tây Tạng.
Nghĩa khởi nguyên của mandala là “chu trình, cung, đoạn”, một thuật ngữ thiết yếu trong Phật giáo Mật tông phái Kim cương thừa. Cách thể hiện mandala thường thể hiện trên thangkas, chủ yếu để hỗ trợ sự thiền định. Ý nghĩa của mandala phát sinh từ một chữ Phạn dịch ra tiếng Tây Tạng là “Dkyilkhor”, nghĩa là “Trung tâm và ngoại vi”. Một mandala được hiểu như là một thể tổng hợp của nhiều yếu tố khác biệt vào một sơ đồ duy nhất mà thông qua sự thiền định có thể nhận thức được bản chất của tồn tại. Do vậy, ý nghĩa ban đầu của mandala thuần túy mang tính tôn giáo(3).
Trong từ điển “The A to Z of Hinduism”, các tác giả định nghĩa mandala là “…một biểu đồ của sự trầm mặc. Chúng thường bao gồm những hình vuông, vòng tròn đồng tâm, và/hoặc những tam giác đan cài vào nhau hướng về một điểm ở trung tâm. Đôi khi chúng là những hình thức trừu tượng, nhưng cũng có khi chúng mang yếu tố thần thánh ở trong nó”(4). Trong quan niệm của Hindu giáo, sức mạnh của thần Siva thông qua sự thực hành khổ hạnh và trầm mặc (được biết đến như là “tapas”(5)).
Trong Phật học từ điển, học giả Đoàn Trung Còn cho rằng “Man-đà-la” (hay Man-trà-la), tiếng Phạn dịch ra nhiều nghĩa: Linh-phù, đàn, đạo-tràng(6).
Trong tiếng Sanskrit mandala có nghĩa là “vòng luân xa thần thánh” (sacred circle) là một thuật ngữ được chấp nhận trên bình diện quốc tế. Tương tự như vậy, từ điển Macquaire Dictionary đã giải thích mandala là “một biểu tượng huyền bí của vũ trụ, trong hình thức của một vòng tròn bao quanh một hình vuông; được sử dụng chủ yếu trong Hindu giáo và Phật giáo như là một sự trợ giúp để thiền định. Trong công trình nghiên cứu của mình Powell lại coi thuật ngữ mandala chỉ đơn thuần là “một vòng tròn biểu đồ thần thánh được sử dụng trong sự thiền định (meditation) và nghi lễ(7). Những nghiên cứu chi tiết hơn khám phá ra rằng mandala là một từ ghép bao gồm: “manda” nghĩa là “bản chất” (essence), và “la” nghĩa là “cái chứa đựng” (container), “người sở hữu” (possessor) hay là “biển chỉ đường” (signpost) (8). Thuật ngữ này được cho là xuất phát từ tín ngưỡng Ấn Độ cổ đại về sức mạnh vũ trụ sẽ nhập vào nhân vật ở trung tâm của không gian thiêng. Quan niệm về không gian thiêng hàm chứa trong nó những ý nghĩa về sự hoà nhập vào với một trạng thái ý thức cao hơn và bảo vệ chống lại những lực lượng phân rã (9).
Dellios cũng như Jose và Miriam Arguelles (10) cho rằng cấu trúc của mandala gắn liền với ba yếu tố chính: vị trí trung tâm, sự đối xứng và không gian bốn mặt (11). Trong đó yếu tố thứ nhất là hằng số bất biến, hai yếu tố sau đó biến đổi dựa theo tính chất của mandala. Sự đối xứng có thể linh động hay hoàn toàn xác định, hoặc là biến đổi luôn luôn. Trong khi đó, khái niệm bốn mặt có thể chính xác về số lượng, số lượng này phụ thuộc vào trạng thái của mandala; hoặc các điểm này không thể xác định hay không tồn tại giống như trong một vòng tròn vậy. Cấu trúc này của mandala cũng được sự đồng tình của Siska Lund khi ông cho rằng “có 3 yếu tố trong một mandala: một trung tâm; đối xứng; và bốn phương (12).
1.Rosita Dellios là Phó giáo sư ngành Quan hệ quốc tế, Trường Khoa học Xó hội và Nhõn văn, Đại học Bond, Australia.
2. Rosita Dellios (2003) Mandala: From Sacred origins to Sovereign affairs in traditional Southeast Asiabài nghiờn cứu trỡnh bày tại Hội thảo Những hiểu biết truyền thống về Đông Nam á, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử - kết hợp với SEAMEO, Yangon, Myanmar, 17-19, tháng 12 năm 2003.
3. Shambhala Dragon Editions (1991) The Shambhala Dictionary of Buddhism, Boston.
4. The A to Z of Hinduism, p. 128.
5. Tapas theo “The A to Z of Hinduism” là “sức nóng; sức mạnh của sự tu khổ hạnh”.
6. Đoàn Trung Còn (1992) Phật học từ điển, quyển II, Nxb. Thành phó Hồ Chí Minh.
7.Powell, Barbara (1996) Windows into the Infinite: A Guide to the Hindu Scriptures, Fremont, California: Asian Humanities Press, p. 312
8.Grey, Maggie (2001) “Encountering the Mandala: The Mental and Political Architectures of Dependency”, in trong: The Culture Mandala (The centre for East-west Cultural and Economic Studies, Bond University, Gold Coast, Australia), Vol.4, No.2, November, p..2. Cú thể tham khảo tại website: http://www.international-relations.com.
9.Rosita Dellios (2003), Mandala: From Sacred origins to Sovereign affairs in traditional Southeast Asia
10.Arguelles, Jose and Miriam (1995), Mandala, 2nd edn, Boston: Shambala.
11.Rosita Dellios (2003) Mandala: From Sacred origins to Sovereign affairs in traditional Southeast Asia
12.Siska Lund (2003), “A mandala for the Southeast Asian international system”. The Cultural mandala, 6 no.1, Bond University, Queensland, Australia. Siska Lund đó từng nghiờn cứu về hệ thống mandala tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Bond |
ĐỖ TRƯỜNG GIANG |