TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 001152494
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
SỰ CHUYỂN HOÁ TỪ THƯƠNG CẢNG CHAMPA SANG VIỆT (TRƯỜNG HỢP THI NẠI-NƯỚC MẶN) Phần 2
20.08.2010 00:08 - 2349

Trong phần I của bài viết, chúng tôi đã trình bày khái lược về sự phát triển và vai trò của thương cảng Thi Nại đối với mandal Vijaya nói riêng, cũng như đối với Champa nói chung. Trong phần 2 của bài viết, chúng tôi trình bày về sự phát triển của thương cảng Nước Mặn thời các Chúa Nguyễn Đàng Trong (thế kỷ XVI-XVIII).

 


2.Thương cảng Nước Mặn xứ Đàng Trong


 


 


 


Sự thiết lập quyền lực chính trị của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã đem lại một diện mạo mới cho vùng đất này. Với những chính sách kinh tế tích cực, các chúa Nguyễn đã khuyến khích người nước ngoài đến Đàng Trong buôn bán, các cảng miền Trung là nơi đón nhận nhiều thuyền buôn nước ngoài đến trao đổi buôn bán. Chính những chính sách “khai mở” của các Chúa Nguyễn đã dẫn tới sự hồi sinh và hưng khởi của nhiều cảng thị ven biển như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… Có thể nói, thế kỷ XVII là thời phục hưng các cảng thị miền Trung, các cảng này đã chuyển hóa từ cảng Champa sang cảng Việt (12).



 

 

Địa hình của miền Trung Việt Nam thuận lợi cho việc mở mang và duy trì các cảng biển. Điều này được Borri ghi nhận trong hồi ký của mình: “về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn 100 dặm 1 chút mà người ta đếm được hơn 60 cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn” (13).




 

 

Dưới thời các chúa Nguyễn khi lãnh thổ mở rộng về phương Nam, phủ Quy Nhơn được coi là một trung tâm quan trọng, từ đây có thể đi ra bắc tiếp xúc với vùng đất trọng trấn xứ Quảng Nam, đi vào nam với các phủ Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh vùng đất mới mở. Đây có thể coi là vùng đất cựu phủ được quản lý ổn định hơn 200 năm trong lãnh thổ. Vùng đất này biển hải sản phong phú, nối với cao nguyên giàu sản vật rừng, lại có truyền thống thương cảng từ thời Champa trong lịch sử. Chính vì thế nơi đây đủ điều kiện phát triển nghề thương mại biển, tạo nên nguồn sức sống cho các hải cảng (14).




 


 


Thương cảng Nước Mặn nằm tại phủ Quy Nhơn, “của cải trong một phủ, có phần đầy đủ, cùng với phủ Tư Nghĩa, phủ Thăng Hoa, đều gọi là hạt giàu có. Sản vật có nhiều, như: trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối và các thứ gỗ đều rất tốt; thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa sinh ra trong hang núi có từng đàn đến hàng trăm nghìn con” (15). Bên cạnh đó “Phủ Quy Nhơn thì các cửa biển Tân Quan, Thới Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn đều có đảo nhiều yến sào, lập đội Thanh Châu để lấy” (16), “kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai” (17). “Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo không kể xiết, khách Bắc buôn bán quen khen bao không ngớt” (18). Chính sự phong phú của các sản vật tự nhiên như vậy, đã mang lại những nguồn hàng giá trị, thu hút sự có mặt của các thương nhân, tàu buôn tại khu vực này. Phủ biên tạp lục cũng ghi nhận vào năm 1768, Quy Nhơn đã cung cấp 93 trong tổng số 341 thuyền do chính quyền mộ để chở thóc gạo từ đồng bằng sông cửu long tới Thuận Hoá.




 


 


Về vụng biển Thi Nại, Đại Nam Nhất Thống Chícó chép “Tấn Thi Nại ở phía đông huyện Tuy Phước, rộng 197 trượng, thuỷ triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thuỷ triều xuống sâu 4 trượng 4 thước” (19). Nước Mặn được ghi trong Hồng Đức bản đồ là “Nước Mặn hải môn”, và được Alexandre de Rhodes vẽ trên bản đồ và phiên âm là “Nehorman”. Người phương Tây trong quá trình buôn bán và du hành ở nơi này thì gọi tên cảng theo tên của phủ Quy Nhơn là “Quingnin” hay “Pulucambi” (người Bồ Đào Nha), “Quy Nong” (người Anh), “Sintcheou” hoặc “Chincheo” (phiên âm theo tiếng Trung Quốc từ chữ Tân Châu). Trong các hồ sơ của VOC tên của cảng này là “Quinam” (20).




 


 


Năm 1793, một đoàn sứ bộ người Anh đến Quy Nhơn đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý là “…Ở phía bắc mũi Nạy (Varella) là Quin Nong (Quy Nhơn), nơi ghe tàu trong vùng thường qua lại… Vùng biển này rất tốt. Nó là chỗ chắn tất cả các loại gió. Cũng có một con lạch đi qua rất hẹp nên những con tàu muốn đi vào đầm phải chờ thủy triều lên.” (21). P.Poivre trong tập hồi ký của mình có viết “tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn được thương nhân lui tới nhiều” (22). Còn Manguin thì cho biết “Ở bờ biển Việt Nam, Quy Nhơn là vịnh được cấu tạo cho việc trú ẩn của tàu thuyền tốt nhất. Ở đó được thiết lập cảng của kinh đô Vijaya-Thi Nại chính trong sách sử ký viết “là thương cảng thứ nhất của Champa”. Ở đó còn có Tân Châu (Sin Tcheou)-cảng của những nhà du hành Trung Quốc vào thế kỷ XV (23). Theo ghi chép của Borri thì Nước Mặn “là một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi”.




 


 


Như vậy là,  những thương nhân, nhà du hành, nhà truyền giáo phương Tây khi đến xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII-XVIII, đã ghi nhận về sự tồn tại và hoạt động của thương cảng Nước Mặn. Những ghi chép này dù tương đối ít ỏi, nhưng cũng cho chúng ta biết được một phần diện mạo, cũng như vị thế của thương cảng này trong mối quan hệ với Hội An và các thương cảng khác.




 


 


Thương cảng Nước Mặn, từ vị thế là một quốc cảng (National port) của vương quốc Champa xưa, đã trở thành một thương cảng-trung tâm vùng (Regional port) dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong (24). Vị thế thương cảng số một đã thuộc về Hội An bởi những lợi thế vốn có của thương cảng này, cũng như bởi những nguyên do về mặt chính trị, kinh tế khác. Tuy vậy, Nước Mặn đã có vai trò quan trọng trên con đường tiến về phương nam của các chúa Nguyễn. Bên cạnh đó, Nước Mặn còn nắm vị thế là trung tâm kết nối biển với lục địa, kết nối giữa vùng cao nguyên trù phú với đồng bằng và vùng biển phía đông.




 


T


uyến đường thương mại Nước Mặn-An Khê-Mê Kông là sự tiếp nối tuyến thương mại từ thời Champa. Do những nguyên nhân về mặt an ninh, cũng như về mặt kinh tế mà mối liên hệ giữa người Việt, người Hoa ở đồng bằng ven biển với đồng bào người Thượng vẫn tiếp tục được duy trì, và giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy thương mại. Theo Dourisboure, một thừa sai người Pháp đến vùng cao nguyên vào năm 1851, thì tại vùng này, hầu như tất cả các dụng cụ bằng sắt và khí giới đều do người Sedang cung cấp. Người Sedang vốn biết khai thác các trầm tích sắt. Người Renjao và người Banar ở phía tây thì dệt vải. Người Banar Alakong phía đông có thể đã trao đổi với người Việt nam hàng của họ để lấy muối và đa số các mặt hàng thiết yếu nhất người cao nguyên muốn người Việt cung cấp cho họ”. Bên cạnh đó “việc buôn bán giữa người Việt Nam và các dân tộc vùng cao nguyên ở Đàng Trong vào các thế kỷ XVII-XVIII có một tầm quan trọng hơn ngày nay người ta tưởng nhiều. Các sản phẩm miền núi quả là quan trọng đối với nền kinh tế của Đàng Trong đến độ người Việt đã nghi thức hoá tiến trình trao đổi hàng hoá này trong một nghi lễ gọi là “đi nguồn” (25).




 


 


Thương cảng Nước Mặn còn là đầu mối lưu thông hàng hoá cho các nước Đông Nam Á lục địa vốn không thuận lợi về giao thương biển. Điều này được ghi nhận bởi Keith Taylor khi ông cho rằng: “đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mê Kông. Bình Định còn đóng vai trò như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mê Kông, băng qua An Khê, Play Ku, và đến sông Mê Kông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/Băngkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Quy Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía nam tới đồng bằng sông Mê Kông (26).




 


 


Cũng giống như các thương cảng khác ở miền Trung, sự phát triển của thương cảng Nước Mặn gắn liền với vai trò của các thương nhân Hoa Kiều. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của thương nhân Nhật Bản, thương nhân phương Tây. Dấu ấn của người Hoa tại thương cảng này còn lưu lại tới ngày nay, với sự tồn tại của làng Minh Hương, cùng các di tích Chùa Ông, Chùa Bà (27). “Tại thị tứ Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), sự tập trung người Hoa còn đậm đặc hơn. Đây vốn là một cảng thị, một điểm tập kết của người Hoa trước khi tỏa đi các địa phương khác làm ăn sinh sống. Xã Minh Hương (xã của người Minh Hương-tên gọi người Hoa đã nhập quốc tịch Việt Nam) được lập ra ở đây đã thể hiện điều đó” (28). Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhya/Bangkok và Quy Nhơn cung cấp vốn và các mối quan hệ để kích hoạt giao thương (29). Vai trò nổi bật của các thương gia và trung gian người Nhật và người Hoa vào thời kỳ này có khuynh hướng lấn át sự hiện diện của các thương gia người Việt Nam (30). Chính sự hiện diện và tham gia của các thương nhân ngoại quốc đã mang lại sức sống cho không chỉ thương cảng Nước Mặn mà còn cho cả các thương cảng Đàng Trong khác như Hội An, Thanh Hà. Các thương nhân ngoại quốc trở thành cầu nối hiệu quả giữa thị trường trong nước với thế giới bên ngoài.


 


 


 


         KẾT LUẬN


 


 


 


Do những lợi thế về nguồn sản vật có giá trị, cùng vị trí quan trọng trong tuyến đường hải thương kết nối thị trường Trung Hoa với thế giới Đông Nam và Tây Nam Á mà miền Trung Việt Nam trong lịch sử đã có lịch sử phát triển ngoại thương lâu dài. Các chính thể khi nắm vị thế là chủ nhân của vùng đất này đều cố gắng dự nhập vào nền hải thương khu vực, lấy sự phát triển về ngoại thương làm nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, đồng thời bù đắp cho những thiếu hụt tự thân.




 


 


Vương quốc Champa trong lịch sử đã có lịch sử phát triển hải thương lâu dài, và được ghi nhận như là một “vương quốc biển” hay “thể chế biển” điển hình trong lịch sử Đông Nam Á cổ trung đại. Cù Lao Chàm, Đại Chiêm Hải Khẩu, Thi Nại… đã từng là những thương cảng quan trọng. Từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XV, Thi Nại đã đóng vai trò là quốc cảngcủa vương quốc Champa, trung tâm buôn bán mang tính quốc tế, nắm giữ vai trò kết nối Champa với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, có thể nói Thi Nại trở thành một điểm kết nối biển với lục địa điển hình.




 


 


Các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong trong quá trình mở mang lãnh thổ về phương Nam, đã lựa chọn phát triển ngoại thương làm cơ sở, nền tảng để duy trì thể chế và nâng tầm vị thế của mình trong khu vực. Từ thế kỷ XVI-XVIII, đã diễn ra sự chuyển hóa từ thương cảng Chăm sang Việt trong trường hợp Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… Thương cảng Nước Mặn đã nối tiếp những lợi thế vốn có từ thời Thi Nại để trở thành một thương cảng trọng yếu của xứ Đàng Trong. Dù không còn giữ vị thế là quốc cảng như Thi Nại, nhưng Nước Mặn có những sứ mệnh và vai trò lịch sử đặc biệt của mình.


 






Ghi Chú:

12.Trần Quốc Vượng: Việt Nam cái nhìn địa văn hoá, Nxb Văn hoá Dân tộc, H.1998, tr.350




13.C.Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb tp Hồ Chí Minh, 1998, tr.91.




14.Lê Đình Phụng: Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn)- Xứ Đàng Trong, in trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế giới, H., 2007, tr.586




15.Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương Loại chí, Dư Địa Chí, Nxb Giáo Dục, H.2007, tr.195.




16, 17, 18, Lê Quý Đôn: Phủ Biên Tạp Lục, tr.51; tr.425. tr.433.




19.Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Nxb Thuận Hoá, 1996, tr.40




20, 21, 22, Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng, Nxb Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H.1996, tr.148; tr.154.




 23.Manguin: Les Portugals lesur côyes du Vietnam et du Campa, BEFEO, Paris, 1972.




24.Về việc xác định vị trí các bến cảng, các dấu tích còn lại của thương cảng Nước Mặn, tham khảo trong: Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng, Nxb Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H., 1996;  Đỗ Bang: Dấu tích của cảng thị Nước Mặn, NPHMVKCH 1991, Viện khảo cổ học, Hà Nội; Lê Đình Phụng: Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn)- Xứ Đàng Trong, sđd, tr.583-592; Nguyễn Xuân Nhân: Tìm hiểu thương cảng Nước Mặn thuở phồn vinh, Bình Định, 2002.




25, 30, Li Tana: Xứ Đàng Trong Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, 1999. tr.177; tr.116.




26, 29, Keith w.Taylor: Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay, số 270, 10-2006, tr.8.




27. Tham khảo thông tin và tư liệu trong: Nguyễn Xuân Nhân: Tìm hiểu thương cảng Nước Mặn thuở phồn vinh, Bình Định, 2002.




28.Phan Đại Doãn-Vũ Hồng Quân: Thị tứ- hiện tượng đô thị hóa (qua tư liệu tỉnh Bình Định), in trong: Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế, Nxb Khoa học Xã hội, H.,2004, tr.355.






 

ĐỖ TRƯỜNG GIANG (Theo Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á 08-2008 )



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:
Mandala (phan 3) [07.09.2010 09:23]



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2024 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn