Thế nhưng trong vòng vài năm gần đây, hàng ngàn hiện vật thuộc dòng gốm này được biết đến như một phát hiện có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của vương triều Vijaya của người Chăm (Bình Định).
Không chỉ hiện diện trong đời sống hàng ngày của cư dân Chăm thế kỷ 11-15, mà gốm Gò Sành còn hé mở nhiều phát hiện mới mẻ- Từ thế kỷ 11-15, cùng Hội An, Thị Nại đã là một điểm dừng quan trọng trong con đường gốm sứ trên biển song song tồn tại với con đường tơ lụa trên đất liền.
Từ trận bom tình cờ.
Mùa đông năm 1974, một loạt bom Mỹ thả xuống làng Gò Sành thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Sức công phá của thuốc nổ đã làm lộ diện một lò nung gốm cổ cùng hàng nghìn hiện vật bị vùi sâu dưới lòng đất từ hàng trăm năm qua. Trận bom vô tình, không ngờ lại góp phần làm sáng tỏ một thời kỳ lịch sử của chủ nhân vùng đất, đồng thời khai thông nỗi bế tắc mà có một người đã nhiều năm mò mẩn tìm lối ra.
Đó là ông Nguyễn Hượt, chủ lò gốm Kim Môn (Phù Mỹ-Bình Định). Trước đó nhiều năm ông Hượt tình cờ phát hiện nhiều chum, lọ gốm thô và có men lạ ở quanh vùng ông sinh sống. Vốn là một người sản xuất và buôn gốm sứ lớn trong vùng, ông chuyên tâm tìm hiểu và xây dựng một bộ sưu tập. Do phần lớn số hiện vật này tìm được trên vùng đất xưa người Chăm sinh sống, nên ông đoán đó là gốm do dân tộc này sản xuất để sử dụng.
Thế nhưng trong thư tịch cổ lẫn hiện trường, trên vùng đất Bình Định chưa hề hé lộ bất kỳ lò nung gốm nào có niên đại tương đương. Vẫn có khả năng những vật đó được mua từ một nơi xa mang về. Vì vậy sau khi lò gốm cổ vừa bị bom Mỹ phát lộ, ông đến ngay. So sánh hiện vật tại chỗ với những gì lưu giữ trong bộ sưu tập, ông nhận định vùng Gò Sành (Bình Định) và lân cận đã tồn tại một trung tâm sản xuất gốm của tiền nhân Chăm phục vụ cho sinh hoạt của cư dân và triều đình vương triều Vijaya lúc bấy giờ.
Cuối tháng 2.1974, ông Hượt vào Sài Gòn công bố phát hiện của mình. Tuy vậy do điều kiện khốc liệt của chiến tranh không có khả năng tổ chức tìm kiếm, khai quật; thiếu dữ kiện trong các thư tịch... nên những tâm huyết của ông chủ lò gốm Kim Môn gần như chưa tạo được sự quan tâm đúng mức của giới nghiên cứu văn hoá.
Người kế thừa xuất sắc
Đầu năm 2006, một nhà trưng bày gốm cổ tư nhân đầu tiên được khai trương tại TP Quy Nhơn. Có khoảng hơn 200 hiện vật được trưng bày theo hai dòng: gốm cổ và gốm hiện đại. Theo chủ nhân bộ sưu tập, dòng gốm cổ bao gồm những sản phẩm của người Chăm (từ thế kỷ 11 đến 15) và gốm của người Việt (từ thế kỷ 17 đến 18), được phân thành bốn nhóm sản phẩm: đồ thờ tự và trang trí tôn giáo, đồ tế tự và ngự dụng, ngự lãm, xuất khẩu và dân dụng.
Trong số các hiện vật được trưng bày tại đây, có một số có giá trị đặc biệt, như nhiều tượng thần bằng đất nung, cặp bình tai bèo cổ tiện, bộ đồ ngự dụng men trắng (bạch định)... ; có hiện vật được xem là độc bản, được các nhà sưu tầm và nghiên cứu đánh giá cao, như pho tượng đất nung Dravapala (môn thần), hay chiếc đĩa ngự dụng rồng năm móng cỡ lớn, vẽ tích Long Vân Khánh Hội...