TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 001152571
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
Tháng Ba nồm rộ *
21.04.2008 12:26 - 2585

Xem hình
Đồng quê
Tháng Ba trăng thanh gió mát lúc đêm về. Con sông Gò Chàm (một nhánh của sông Côn) chảy qua làng Lương Định lấp lánh màu trăng nước mênh mông. Đò đợi khách hay khách chờ đò trên bến mà khiến sông chảy bồn chồn?

Tháng Ba nồm rộ, nồm từ biển thổi lên. Cái nồm đó, người ta còn gọi là “nồm ngọt”, thi sĩ gọi người ngủ giấc trưa hè có nồm thổi là ngủ trong “võng gió mát như ôm” (Tâm sự với Quy Nhơn - Xuân Diệu). Nồm ngọt là cái nồm biển nhiều cá tôm, được mùa biển, bù lại chuỗi thời gian “tháng giêng động dài, tháng hai động tố” làm cho nghề biển đói.

Quê tôi xa biển, có tiếng là vùng “gạo trắng nước trong”, ăn con cá Vũng Nồm, Vũng Giếng (Phước Lý - Tuy Phước ngày xưa, Nhơn Lý - Quy Nhơn ngày nay) gánh chạy bộ lên, sau khi đã băng qua mấy động cát bỏng, băng qua những con đường làng quanh co nối tiếp nhau dài mấy chục cây số. Tháng Ba quê tôi gặt vụ Đông Xuân. Đầu tháng Ba, lúa ngoài đồng chín lỏi rỏi; đến giữa tháng thì chín rộ, dâng một mùa vàng trên cánh đồng làng. Dưới trời xanh, mây trắng, nắng vàng, bao người thợ gặt ra đồng gặt lúa; rồi những đám ruộng trơ gốc rạ bày ra và ngọn khói đốt đồng bay lên trong mỗi buổi trời chiều.

Gió nồm tháng Ba.

Tháng Ba quê tôi đẫm hương. Thoang thoảng hương cau, hương chanh, hương xoài muộn …tỏa từ vườn nhà ai; mùi nồng nàn bông lúa chín tỏa từ cánh đồng làng. Cốm Cát Tường (Phù Cát) đựng trong bầu nan, có đủ cốm nếp, cốm bắp… gánh bán dạo trong làng, bán dạo tận bờ ruộng đang có đông thợ gặt. Bầu cốm gánh đi đến đâu tỏa mùi thơm ngát đến đó: Mùi thơm của bắp, nếp rang, của đường mật “thắng” ngào với bắp, với nếp thành hạt cốm ngọt ngào, thơm phức. Cốm bán đổi lúa: 1 cão lúa đổi 1 cão cốm hay 1 lúa  2 - 3 cốm, tùy bữa đắt hoặc ế hàng, tùy cốm nếp hay cốm bắp (cốm nếp thì đắt hơn cốm bắp). Tôi và lũ thằng Bòn, thằng Rút, con Ruột, con Gan… là những đứa con nhà nghèo ra đồng, theo chân người thợ gặt mót lúa rơi. Mót từ sáng đến trưa, từ xế đến chiều (ít bữa không bị lằn roi của chủ ruộng vì tội oan rút lúa trộm), mỗi đứa có được mấy khoen bông lúa nắm gọn trong tay. Ấy vậy mà khi bầu cốm gánh đến, đứa nào cũng đem lúa ra đổi cốm ăn, chứ nhịn thèm không được, để rồi nhiều hôm đi mót về, ít đứa không bị mẹ đánh đòn roi trót…trót, đau thấy trời xanh, vì tội dám đem lúa đổi cốm, dám đi mót lúa mà đi có về không.

Tháng Ba cắt hái xong thì ruộng cày để ải. Có nhiều đám ruộng để trơ gốc rạ; có đám trồng dưa hồng, dưa gang, đậu đen, đậu trắng… Ruộng trồng dưa, đám nào cũng dựng lên anh bù nhìn giữ dưa đứng giữa ruộng, đầu đội nón lá cời, tay cầm cờ ve vẩy trước gió để đuổi lũ chim muông. Trông bù nhìn, thấy buồn cười vì ngộ nghĩnh, nhưng nghĩ cũng có ngụ ý sâu xa: “Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ/ Vốn lòng vì nước há vì dưa” (Lê Thánh Tông). Tháng Ba bầu trời cao cho lũ chim chiền chiện bay về “đứng” giữa không trung mà cất cao tiếng hót du dương như một bản nhạc đồng quê đến mê hồn. Chim chiền chiện lót tổ dưới đất cày, khiến lũ nhỏ chúng tôi thường ra ruộng cày ải rình bắt tổ chim chiền chiện non đem về nuôi với hy vọng một ngày chim trưởng thành sẽ cho mình tiếng hót. Cánh đồng làng cày ải để trơ gốc rạ khô khốc khô rang mà gặp trận mưa rào chặp chiều về thì ruộng đọng nước để cho đến đêm người ta tha hồ nghe tiếng ếch nhái kêu và tha hồ đi bắt ếch nhái. Đuốc của người đi soi bắt ếch nhái lập lòe ngoài đồng chẳng khác gì âm binh, ma trơi dậy, khiến người yếu bóng vía phát sợ. Ếch nhái bị cảnh khô hạn lâu mà gặp mưa rào thì kéo ra nhiều vô kể; chúng thường kết đôi với nhau nên người ta dễ dàng chụp được nhái “cõng”, ếch “cõng”, chụp một thành hai cho mau đầy “đụt” (một loại giỏ nan đựng cá). Mưa rào thường mưa đến chín chiều mà ếch nhái có nhiều thì thường ra vào buổi chiều mưa đầu. Nhà nhà bắt được nhiều ếch nhái là cả làng có một sáng đêm rôm rả, tưng bừng với những cuộc chế biến và chén thịt ếch nhái khoái khẩu. Thịt ếch nhái chế biến thành 7 món cũng nên: xào lăn, đúc bánh xèo thịt nhái, cháo ếch, chả ếch…Thịt ếch nhái xào lăn ăn với cơm nóng hay với bánh tráng nướng, rau sống tươi non, tợp rượu đế Bàu Đá vào thì ngon đáo để. Dẫu ăn kiểu nào, người ta cũng cố tận hưởng cái ngon: “Ếch tháng ba, gà tháng mười”.

Mùa gặt tháng Ba.

Tháng Ba đồng quê cho một khoảng trời bình yên, cao rộng cho lũ nhỏ chúng tôi thả diều. Hàng ngày, khoảng 3 - 4 giờ chiều, khi gió nồm thổi rộ và nắng nhạt dần là giờ trẻ nhỏ mang diều chạy ra đồng làng thả thi. Cu Tý, con Lệ khoe diều mới màu sắc sặc sỡ; bao nhiêu đứa khác, đứa nào cũng có chuyện để khoe: đứa không diều con bướm bay, con rồng cuộn thì cũng diều con dơi bay chập choạng, tôi có diều đại bàng cắp công chúa, con vua Thủy Tề, là diều “hoành tráng” nhất trong bọn nhỏ xóm An Định. Dưới đất, lũ nhỏ chạy theo diều, điều khiển sợi dây cho diều lượn thấp bay cao với cả lòng say mê và niềm ước mơ gởi vào đó; trên trời những thân diều, cánh diều lượn lờ, nhào lộn, chấp chới trong gió, trông thanh bình và ngoạn mục lắm. Chung cục, diều nào còn bay trên trời thì đều thắng, chỉ có diều đứt dây, rớt bịch, nằm xoài dưới đất là diều thua.

Tháng Ba trăng thanh gió mát lúc đêm về. Con sông Gò Chàm (một nhánh của sông Côn) chảy qua làng Lương Định lấp lánh màu trăng nước mênh mông. Đò đợi khách hay khách chờ đò trên bến mà khiến sông chảy bồn chồn? Tháng Ba, đêm trăng thanh gió mát, có chàng thư sinh ngon giấc sau buổi học bài quá khuya bỗng giật mình thức dậy vì một giấc “kê vàng”; có nàng chinh phụ không sao ngủ được vì nỗi chồng đi ra nơi biên ải; có ngọn đèn khuya trong gian nhà nhỏ không tắt, vì bà mẹ nuôi đàn con nhỏ hay lam hay làm. 

Bây giờ tháng Ba rồi, chắc quê nhà nồm rộ lại thổi về?



* Tiêu đề mượn trong ca dao.

Huỳnh Kim Bửu (Theo Báo Bình Định)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:
Hoa Vô Ưu [18.11.2014 16:11]
MẸ VÀ SỮA [10.09.2011 14:54]
QUÊN NGƯỜI [27.07.2011 12:21]
BIỂN & NỖI NHỚ! [30.05.2011 10:39]
Tản văn cho biển [30.05.2011 07:39]
Mỗi độ huỳnh mai [24.01.2011 11:31]
Gái Bình Định [29.05.2010 10:01]
Cộng rơm nhà Lý [09.09.2009 09:37]
Lang thang vùng ven [14.12.2008 09:20]
Thơ Chăm (chùm thơ) [20.04.2008 20:09]



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2024 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn