Giai Thoại về Đào Tấn
26.03.2008 19:48 - 1997
|
Tượng Đào Tấn |
Đào Tấn không những nổi tiếng soạn tuồng giỏi mà còn nức danh văn hay chữ tốt.
Đào Tấn (1845 - 1907) hiệu là Mộng Mai sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vinh Thạnh, Tuy Phước, Bình Định. Đào Tấn là học trò ưu của Tú tài Nguyễn Diêu, một nhà soạn tuồng nổi tiếng. Noi gương và chịu trực tiếp ảnh hưởng của thầy, Đào Tấn học tập viết tuồng hồi còn rất trẻ. Hoạt động văn học nghệ thuật của Đào Tấn hết sức phong phú, đa dạng. Ông để lại vài chục vở tuồng, có vở còn diễn đến bây giờ như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng. Trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là người viết nhiều nhất và cũng là người thành công nhất. Ngoài tuồng, ông còn sáng tác thơ văn. Tại Bình Định, người ta lập đền thờ ông, xem ông là ông tổ của ngành hát bội.
Nét chữ đáng giá Đào Tấn không những nổi tiếng soạn tuồng giỏi mà còn nức danh văn hay chữ tốt. Lúc làm quan ở Quảng Ngãi, ông có một người bạn là Võ Văn Nho ưa ăn ngon. Còn quan Tổng đốc Quảng Ngãi là Lý Định Chi thì lại rất ưa chuộng nét chữ tài hoa của Đào Tấn. Cứ chỗ nào có bút tích Mộng Mai là Lý mua lại hoặc đổi các thứ để lấy. Do vậy, thường ngày Nho hay đến xin Mộng Mai tiên sinh viết cho vài câu thơ vào một tờ giấy điệp. Nho mang thơ đến dinh quan tổng đốc. Lý liền mang thịt dê ra đổi. Đào Tấn
Một bạn thân khác của Đào Tấn là Hà Văn Đại biết chuyện nói đùa với ông: - Ngày xưa Vương Hi Chi (người viết chữ đẹp nổi tiếng thời xưa bên Trung Quốc) dùng chữ đổi ngỗng. Nay chữ của Mộng Mai tiên sinh đổi được thịt dê! Đến ngày sinh nhật Mộng Mai, Võ Văn Nho nhân đó viết thư chúc mừng, mong được thư trả lời để lại mang thư đi đổi thịt. Nhưng lần này Đào Tấn không viết thư trả lời. Người nhà của Nho cầm thư giục mãi, ông cười bảo: - Anh về bảo Văn Nho, bữa nay kiêng không sát sinh! Ý ông nói hôm nay là ngày lành không giết hại súc vật nên không thể viết thư cho anh đi đổi thịt dê được. Nét chữ Đào Tấn còn gỡ nợ cho một anh nhà nghèo nữa. Bữa ấy, nhân ngồi làm việc ở một công đường, có một người đến kiện với quan: nguyên anh ta cho bạn vay hai quan tiền, đã mấy năm nay rồi mà đòi mãi anh bạn vẫn cù nhầy không trả, xin quan xét xử giùm. Mộng Mai cho gọi bị cáo đến xét hỏi. Anh ta bèn thưa: - Bẩm quan. Nhà con xưa nay chuyên làm nghề bán quạt để sinh sống. Rủi năm kia cha con chết, thời tiết lại mưa luôn nên bán quạt ế, con kiếm không đủ đành phải mắc nợ số tiền đã vay để làm tang cho cha. Đào Tấn hỏi người đi kiện, thấy đúng như vậy, lại cảm vì người mắc nợ hiền lành, thực thà, rồi bảo: - Nhà ngươi đem số quạt ế đến đây ta bán giùm cho. Anh ta sợ hãi bán tín bán nghi, nhưng phải tuân lệnh. Đào Tấn lựa ra 20 chiếc quạt phất lụa trắng, cầm bút viết chữ lên quạt hoặc là vẽ công, trúc, tùng, mai… Xong, ông bảo: - Thôi, bây giờ nhà ngươi có thể đem quạt ra bán trả nợ được rồi. Anh ta đem quạt ra cổng, đã có nhiều người chờ để mua rồi. Chỉ loáng cái là hết. Nhiều người đến sau, không mua được, đứng tiếc ngơ tiếc ngẩn. Anh ta bán quạt xong, thanh toán hết nợ nần, vô cùng cảm tạ Mộng Mai.
|