Theo dấu nhà cổ - Kỳ cuối
13.02.2008 20:03 - 3550
|
Một ngôi nhà lá mái ở Bình Dương (Phù Mỹ). |
Nhà lá mái là kết tinh của tâm lực tài năng của người Bình Định và là một nét đặc trưng trong văn hóa kiến trúc Bình Định. Tuy nhiên, trước hiện trạng nhà lá mái đang mất dần như hiện nay, giải pháp nào cho nhà lá mái?
Giải pháp nào cho nhà lá mái? * “Anh về dỡ gồ đa đa” Gửi gắm theo mỗi ngôi nhà lá mái, là ước mơ cả cuộc đời gia chủ và được những người thợ mộc lành nghề thể hiện với không ít công phu, tài khéo. Dựng nhà lá mái, với nhiều gia đình, là tâm nguyện của cả đời người: “Anh về dỡ gỗ đa đa/ Cất nhà lá mái tháng ba em về”. Bởi vậy, để khởi công dựng một ngôi nhà lá mái, việc chuẩn bị đã tiến hành từ khá lâu. Gỗ dựng nhà được đặt mua, gom nhặt dần từ nhiều năm; tre được chặt, ngâm ở ao trước cả năm; đá ong thì đặt. Ông Nguyễn Kỉnh, năm nay 80 tuổi, ở làng Kiều Huyên (Cát Tân, Phù Cát), là một trong số ít người ở Bình Định nay vẫn còn biết cách làm nhà lá mái. Ông Kỉnh đã làm nghề thợ mộc từ năm 18 tuổi. Theo ông Kỉnh, thợ làm nhà lá mái phải là thợ giỏi, có tay nghề cao trong vùng. Họ được gia chủ rước về nuôi ăn ở trong trại gần nơi làm nhà. “Có những ngôi nhà, mua đu đủ về cho thợ ăn, ăn xong vứt hạt sang đám đất bên cạnh; đến khi cây lớn lên, hái ăn một, hai mùa nữa, mới xong ngôi nhà”. Hơn cả một mái nhà, nhà lá mái là không gian sống, đã được người Bình Định gửi vào bao ước mơ, tín niệm về đời sống. Không gian nhà lá mái chan hòa giữa thiên nhiên, ngôi nhà có kết cấu rất phù hợp với môi trường sống miền Trung. Nhà có trính cối trong kết cấu, thể hiện một ước mơ phồn thực; hệ thống bàn thờ với nghi, án, nhạo phía dưới, trang phía trên; tẩm hay khám phía trong; cộng thêm chiếc tiểu kỳ nép dưới bóng điệp sân trước là góc tâm linh của người Bình Định... Bấy nhiêu, cộng với dáng nét kiến trúc độc đáo của nhà lá mái cũng đã xứng đáng cho ta xưng tụng, về vẻ đẹp của một kiến trúc cổ truyền.  Lớp khia đan bằng tre là một chi tiết rất độc đáo của nhà lá mái. * Giải pháp cho nhà lá mái Đợt điều tra do Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản tiến hành về kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống tỉnh Bình Định, đã tìm thấy hàng trăm nhà ở các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và một số ít ở Quy Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã chọn ra 35 nhà còn tương đối tốt thuộc các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn. Kết quả đó cho thấy, số lượng nhà lá mái được nhân dân gìn giữ đến nay là khá lớn. Tuy nhiên, ý thức bảo tồn hoàn toàn tự phát, nên tùy theo điều kiện kinh tế và sự hiểu biết, mà mỗi nhà có một cách gìn giữ, bảo quản riêng. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, hầu hết nhà lá mái chỉ còn giữ được kết cấu gỗ 3 gian 2 chái của nhà chính, còn bộ mái cặp bằng tranh và đất, nhà cầu, nhà dưới, lẫm… chỉ còn lại rất ít. Hiện nay, những ngôi nhà ít ỏi này cũng đang trong nguy cơ sẽ bị thay thế bằng mái ngói. Như vậy, chỉ một, hai năm nữa thôi, những ngôi nhà mái tranh vách đất cuối cùng sẽ không còn. Mỗi kết cấu gỗ của những ngôi nhà lá mái hiện đang được mua với giá từ ba chục đến cả hai, ba trăm triệu đồng, tùy vào quy mô và sự toàn vẹn, tinh xảo. Phong trào chơi nhà cổ hiện nay, tuy có phần tích cực là góp phần lưu giữ lại nhà lá mái trong tấm lòng trân trọng di sản tiền nhân, nhưng cũng có phần làm nhà cổ biến dạng. Bởi đơn giản, một ngôi nhà lá mái đúng nghĩa không chỉ là phần kết cấu gỗ mà còn là tổng thể không gian sống của người Bình Định. Huống chi, lại có những ngôi nhà cổ được lắp ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Đáng ngạc nhiên là đến nay, chúng ta vẫn chưa có một hành lang pháp lý hay một chính sách thích đáng cho những ngôi nhà cổ cần được bảo tồn. Một dự định của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh về việc xây dựng mô hình về nhà lá mái hoàn chỉnh vẫn chỉ là dự định, trong khi việc bảo tồn một ngôi nhà lá mái với đầy đủ không gian và các hạng mục là hoàn toàn có thể trong điều kiện hiện tại. Nên chăng, trong 35 căn nhà đã được lựa chọn, cần lựa ra vài căn nhà tiêu biểu về kiến trúc, lịch sử để xếp hạng và đưa vào quy hoạch bảo tồn. Với lượng nhà lá mái còn lại không nhiều như hiện nay, vấn đề quy hoạch bảo tồn cần phải được nhanh chóng tiến hành, trước khi quá muộn. Việc nghiên cứu, vận dụng các chi tiết, giải pháp kiến trúc truyền thống của nhà lá mái vào các công trình mới cũng là cần thiết, nhất là với đội ngũ kiến trúc sư hiện nay.
(Theo Lê Viết Thọ) |