Gốm Cây Mai
23.12.2007 22:08 - 3738
|
Bình men màu gốm Cây Mai |
Qua các cuộc khai quật khảo cổ học do Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TPHCM thực hiện tại một số quận, huyện như: Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, Cần Giờ, quận 8, 6, 11... và qua một số tư liệu để lại cho thấy nghề làm gốm ở Sài Gòn - Gia Định có từ rất lâu. Hàng vạn mảnh gốm khai quật được ở nhiều nơi có niên đại cách nay hàng trăm năm.
Nhưng nghề gốm thời xa xưa ấy kỹ thuật còn đơn giản, loại hình sản phẩm chưa phong phú, chỉ đến những thế kỷ gần đây, khởi đầu từ các thời kỳ chúa Nguyễn (TK16) với sự di dân của người Việt ở miền Bắc, miền Trung và cư dân người Hoa vào Nam Bộ cùng với dân bản địa đã khiến nghề gốm phát triển mạnh mẽ. Từ đó, gốm Sài Gòn có thêm một yếu tố mới Ngay từ thế kỷ 18, các trung tâm sản xuất gốm ở Sài Gòn - Chợ Lớn như quận 6, 8, 11, Thủ Đức cùng các lò gốm ở Biên Hòa, Lái Thiêu làm ra nhiều sản phẩm gốm cung cấp cho cả khu vực Nam Bộ với số lượng lớn. Theo ghi chép của học giả người Pháp M. Derbés, vào năm 1882 tại vùng Sài Gòn có tới 30 lò sản xuất gốm, những địa danh tên đường, rạch còn tồn tại đến nay như đường Lò Siêu, Lò Gốm, đường Xóm Đất, rạch Lò Gốm... Theo bản đồ Gia Định của Nguyễn Văn Học, xóm Lò Gốm nằm ở ngoài bến Bình Đông, gồm cả làng Hòa Lục (Q.8) và Phú Định (Q.6). Nói như thế, xóm Lò Gốm trải dài theo rạch Lò Gốm đến tận Phú Lâm, gồm các khu vực đồn Cây Mai, bến xe Chợ Lớn, Cây Gõ... Sản phẩm của gốm Sài Gòn rất công dụng, đa dạng về loại hình, kiểu dáng. Trước hết phải kể đến loại lu, khạp là vật dụng quan trọng để đựng nước, làm mắm cá. Các loại siêu, ơ, tay cầm cũng được sản xuất nhiều. Các loại gốm sử dụng khác như nồi, chậu, bình, thố... là những vật dụng rất cần thiết cho mỗi gia đình. Một loại sản phẩm khác khá độc đáo của gốm Sài Gòn được sản xuất vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là đồ gốm mỹ thuật (đất nung và sành) gọi chung là gốm Cây Mai. Sở dĩ có tên Cây Mai vì lò đặt tại đồn Cây Mai (nay là đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ, Q.5 trải dài đến trường đua Phú Thọ, Q.11). Lò Cây Mai sản xuất các loại gốm cao cấp, bảng màu của men gốm khá phong phú như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng. Gốm men màu gia dụng có tô chén, đĩa, ly, bình trà, nậm rượu với màu men chủ đạo xanh, trắng, được vẽ chim, gà, cá, tôm, hoa, các cây cỏ và chạm nổi chữ Hán. Đồ gốm trang trí như đôn, chậu kiểng cũng rất đa dạng về hình thức và chủng loại: hình khối tròn, vuông, lục giác, bát giác... Bình men màu gốm Cây Mai
Những sản phẩm này thường trang trí bằng các đề tài dân gian, có tính truyền thống hoặc các tích cổ của Việt Nam, Trung Quốc như xuân hạ thu đông, mai điểu, tùng lộc... cùng nhiều phong cảnh sơn thủy với các chi tiết được thể hiện bằng nhiều màu men khác nhau thật sinh động. Đặc biệt, chậu kiểng gốm Cây Mai có vẻ đẹp giản dị mà cổ kính với những mảng trang trí mặn mòi, hàm súc. Chính vì vậy mà ngày nay, chậu kiểng Cây Mai là đối tượng sưu tầm của nhiều người chơi hoa kiểng sành điệu và giới sưu tập cổ vật. Gốm dùng trong thờ phụng, tôn giáo có lư hương, bát nhan, bài vị, tượng thờ. Các sản phẩm trang trí tỷ mỷ, các chi tiết nhỏ cũng được thể hiện công phu bởi các công đoạn in khuôn, chạm khắc, tỉa tót, chấm men... Nổi bậc nhất là tượng gốm sành như tượng ông Nhựt bà Nguyệt, Thiên Lý Nhân, Thuận Phong Nhĩ, Phúc Lộc Thọ, Bát tiên. Ngoài ra, gốm Cây Mai còn có loại tượng làm bằng đất nung khá phong phú: tượng Phật, La hán, Bồ tát, Minh vương, Phán quan, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu... được thể hiện bằng nhiều dáng, kích cỡ và kỹ thuật tạo hình khác nhau. Gốm men màu dùng để trang trí trên kiến trúc gồm có lưỡng long chầu nguyệt, long - lân - qui -phụng, lý ngư phúng thủy, long mã, cá hóa long, nghê, voi, ngựa, các quần thể tiểu tượng rất đa dạng dùng để trang trí trên nóc đình, chùa, miếu... (chùa Ông, chùa Bà ở Q.5, TPHCM). Các tác phẩm này ngoài yếu tố tôn giáo còn mang tính thẩm mỹ cao. Chỉ riêng tượng ông Nhựt bà Nguyệt đã có thể tìm thấy dưới 20 kiểu khác nhau. Gốm Sài Gòn đã trải qua những thăng trầm bởi sự biến thiên của lịch sử. Và hơn 200 năm tồn tại của gốm Cây Mai trong các lò gốm Sài Gòn xưa này đã tạo được một danh mục sản phẩm gốm phong phú trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam kỳ. Những sản phẩm gốm Sài Gòn hiện nay không còn nhiều, di tích về các lò gốm càng khó tìm hơn nên vấn đề bảo tồn, bảo tàng gốm cần được đặt ra hơn lúc nào hết...
Nguyễn Hoàng Tú |