NHÀ LÁ MÁI - Nét văn hoá độc đáo của làng quê Bình Định ( phần 1 )
23.10.2007 21:50 - 3497
 |
Nhà lá mái ở làng quê Bình Định |
Đối với người Bình Định, ngoài lo cái ăn, cái mặc thì việc dựng nhà là sự kiện trọng đại nhất của một đời người. Ngày Xưa, nhà cửa ở nông thôn Bình Định đều lợp tranh. Chỉ có đền, chùa, đình, miễu hoặc vùng thị tứ giàu có mới lợp ngói. Nhà cửa của dân thường có hai loại: nhà cặp và nhà lá mái. Nhà lá mái to lớn hơn nhà cặp. Cột kèo, xiên trính đều bằng gỗ danh mộc. Đoạn tiếp giáp các cột kèo có chạm hình lân, qui, hoặc nho sóc tuỳ theo từng nhà. Vách thường trét đất ở trong, tô vôi ở ngoài, hoặc xây toàn đá ong hay gạch, rồi tô vôi láng; thường thì nhà nào cũng ba gian hai chái, có nhà đến 5 gian hai chái. Những gian giữa, phía trước đóng bàng khoa, có nhà đóng phên dại, hoặc cổng. Hè trước rất rộng. Có khi lại làm một lớp cổng hoặc phên dại ở ngoài cho thêm chắc chắn.
Vì tính chất qui mô như vậy, nên để làm được ngôi nhà lá mái là cả quá trình gian khổ, lâu dài và là một sự kiện trọng đại của đời người. Người Bình Định có câu: “ Một lần cất nhà bằng ba lần cha chết ” là vậy.  Nhà từ đường họ Trần Tri Thiện ở Phước Quang Tuy Phước. Ảnh chụp 1960
Thợ làm nhà lá mái thường phải là thợ giỏi, có tay nghề cao trong vùng. Họ được gia chủ rước về nuôi ăn ở trong trại ( được cất lên gần nơi làm nhà ) để làm từ năm này sang năm khác. Có nhà, từ khi khởi công dựng nhà, người con trai chưa lấy vợ, nhưng đến khi khánh thành thì đã có cháu nội để ẵm bồng; nghĩa là phải mất hai-ba năm mới hoàn thành, mặc dù trước đó việc chuẩn bị khởi công dựng nhà cũng đã khá lâu. Gia chủ phải đi mua gỗ tận vùng Bình Khê ( Tây Sơn ) đóng bè chở về, rồi tre phải được chặt, ngâm ở ao, mương trước đó cả năm trời để chống mối mọt; còn đá ong thì đặt cho các thợ làm đá ở Nhơn Mỹ hay Thiết Trụ xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn… chọt theo kích cỡ đã định sẵn.Vì thế nên ca dao mới có câu: “Anh về dỡ gỗ đa đa Cất nhà lá mái tháng ba em về.”
Đặc biệt, khoảng một tháng trước khi dựng nhà, gia chủ còn phải tổ chức giã gạo để nấu cơm cho thợ làm nhà ăn. Đây là công việc được khá nhiều nam thanh nữ tú trong thôn và các vùng lân cận hưởng ứng; vì giã gạo không đơn thuần là một hoạt động nặng nhọc mà đây là một buổi sinh hoạt văn hoá khá độc đáo của người Bình Định, bỡi nó gắng liền với loại hình hò đối đáp mà ta gọi là hò giã gạo.
Tuy hoàn toàn làm bằng gỗ, nhưng nhà lá mái là một loại hình kiến trúc khá bền vững, nhiều nhà do bị cháy phần mái, hoặc vì điều kiện phải di dời, người ta tháo rời các mộng bằng gỗ, cắt các vòng mây buộc rồi dỡ từng cây cột, kèo, trính để dựng nhà khác. Ngôi nhà của cha tôi ở thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn có dàn cột kèo, xiên, trính… truyền qua ba đời với ba lần dựng nhà, đến đời cuối cùng đã gần một trăm năm sử dụng, nhưng vẫn vững chắc.
Nét độc đáo của nhà lá mái là nó có tới hai lớp mái. Lớp mái thứ nhất ( giống phần la phông trong nhà xây), nhưng được lợp phủ lên các đầu cột, kèo vào bám chặt vào các đòn tay bằng các sợi dây mây chuốt rất kỹ. Phần mái này có nơi lát ván hoặc vỏ cây đập dập, hoặc bằng những cây tre già (có sẵng ở khắp nơi ) đã ngâm nước hơn 1 năm để khỏi mối mọt, rồi dùng chàng( dụng cụ của thợ mộc ) đục, dầm thành những tấm khịa bằng phẳng trải lên trên đầu cột, kèo và các đòn tay trước khi đắp đất sét đã trộn nhuyễn với rơm. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh với độ dốc lớn, song song với lớp mái thứ nhất để đến mùa mưa thóat nước nhanh, giữ được độ bền của mái rạ lâu hơn. Như vậy, nhà lá mái có hai lớp đòn tay. Lớp đòn tay của mái trong đỡ phần khịa đã trét đất; lớp đòn tay của mái ngoài đỡ thêm rui, mè để có chỗ lợp tranh hoặc móc ngói.
Lớp mái này lợp bằng tranh rạ đánh thành tấm dài độ 1,5- 2m. Người ta dùng lạt tre cột tấm tranh vào cây mè phủ lên trên lớp mái thứ nhất theo thứ tự lớp lang từ dưới lên đến nóc. Ngày nay lớp mái tranh này được thay bằng ngói cho vững bền hơn. Mái nhà và mái lá nằm cách nhau chừng năm baỷ tấc, hoặc một thước, do những trụ chống. Vì thế ở trong nhà lá mái, mùa nắng đóng kín cữa thấy mát rượi, mùa đông thì ấm áp, dễ chịu chứ không như nhà bê tông ngày nay phải luôn có quạt hoặc máy điều hoà nhiệt độ.
Mai Thìn |