TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 000930498
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa - Bài 3
18.08.2007 04:18 - 2551

Xem hình
Khung cửa tò vò - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo
II. Thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn (1578 - 1771)
Những cơ sở của sự hình thành Làng võ Bình Định.
II.1. Con sông Gianh đã chia đôi miền Nam - Bắc, Đàng trong - Đàng ngoài, Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn. Cùng với điều đó, văn hóa Việt Nam lại có thêm nhiều điểm riêng biệt của Vương quốc phía nam.

          Ở Bình Định, sau khi thiết lập nên nền hành chính, vào năm 1578 Nguyễn Hoàng bổ nhiệm Lương Văn Chính làm Tri Huyện Tuy Viễn; người Việt lập làng ở cả hai bên đèo Cù Mông, xóa vùng đệm thời Lê Thánh Tông. Đất Bình Định của Lưu Viễn Châu nay đã được đưa vào đạo Quảng Nam,  thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn trên vùng đất này kéo dài hơn 190 năm cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra chiếm lấy Quy Nhơn làm thủ phủ. Thời kỳ lịch sử này, kéo dài gần 2 thế kỷ với bao biến động về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đã có tác động quan trọng đến những bước hình thành đầu tiên của Làng võ Bình Định.

          Năm 1602 chúa Nguyễn cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, từ đây xuất hiện danh xưng mà sau này trở thành thành phố tỉnh lỵ của Bình Định. Lúc đó là tên gọi của một đơn vị hành chính có địa giới tương ứng với tỉnh Bình Định ngày nay. Từ "Hoài" đến "Quy" từ "nhớ người" đến "người về", từ Hoài Nhơn đến Quy Nhơn, vùng đất lịch sử này đã bước sang giai đoạn mới về phát triển mạnh mẽ, quy tụ nhân tâm cũng như quy tụ nhân tài và vật lực để phát triển. Đất đai đã được khai phá, dân nghèo đàng ngoài đang phiêu tán hướng vào nam tìm đường sống. Năm 1608 Thanh - Nghệ đói to mà Quảng Nam (gồm cả Quảng Ngãi, Bình Định) được mùa, dân nghèo bỏ quê hương di cư vào nam ở lại đất Quảng sinh sống. Qua việc di dân trong sự phát triển của dân số ở đây "dù chưa có một số liệu cụ thể nào, song có thể thấy rõ sự phồn vinh của Bình Định từ thế kỷ thứ XVI, XVII đến XVIII qua hoạt động của các thị tứ, phố cảng bên đầm Thị Nại: cửa Kẻ Thử - phố cảng Nước Mặn. Số dân di cư này do sức hút từ vùng đất trù phú, "Đất ở đây đen và xốp. Phan Định có giống thủy sư. Tư Minh sản xuất tơ và đay, tre vàng, chim yến đỏ. Miêu Sơn sản xuất thứ lụa thâm, Xích Bả Khánh Danh Sơn có thác đá" (Nguyễn Trãi - Dư địa chí). Ngoài nguồn lưu dân năm 1648 sau khi chúa Nguyễn bắt được 3.000 tù binh quân Trịnh, Nguyễn Phúc Lan chỉ trả 60 võ quan ra bắc, còn lại giữ tất cả. Đại Nam thực lục tiền biên có chép lời chúa Nguyễn: "Hiện nay từ miền Thăng, Điện trở vào nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng vào đất ấy, cấp cho canh, ngư, điền, khí chia ra từng bộ, từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để sung khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng và sau 20 năm, sinh sản ngày càng nhiều, có thể cho vào quân số, có gì mà lo về sau". Với chủ trương như vậy, số tù binh bắt được của đàng ngoài được chia ra 50 người một nhóm đưa vào Quy Ninh. Họ được cấp cho lương ăn, được các gia đình giàu có bỏ thóc ra cho vay mượn và ưu tiên cho khai thác các nguồn lợi núi đầm để sinh sống. Với quyết định này, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên đã có thêm 600 làng mới và "Từ đó miền Thăng, Điện vào tới Phú Yên làng xóm liền nhau" (Đại Nam thực lục).

          Niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1657), quân Chúa Nguyễn lại tiến công ra Nghệ An đánh chiếm khu vực sông Lam, bắt được một số dân Nghệ An, Hà Tĩnh đưa vào Nam. Các tác giả "Di dân của người Việt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX" (Đặng Thu chủ biên) đã dựa vào các tư liệu địa phương ở các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn cho rằng "Những tù binh này đã lập ra các vùng đất Tây Sơn hạ đạo và Tây Sơn thượng đạo. Tây Sơn hạ ở đèo Mang (đèo An Khê), một vùng bán sơn địa ven sông Côn, chủ yếu cư dân làm nông nghiệp và lập chợ buôn bán. Tây Sơn thượng đạo ở phía tây đèo Mang". Các tù binh được tu cự trong hai điểm là An Khê và Cửu An, hai điểm này cách nhau khoảng 10km, đây là vùng đất tốt, có nước sông Ba thuận tiện để cày cấy, làm nông nghiệp mà cũng theo tư liệu của địa phương cho biết họ có gốc là dân xứ Nghệ. Trong đợt chuyển cư này, "Tổ tiên nguyễn Văn Nhạc là người huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức, nhà Lê, ông tổ bốn đời của Nguyễn Văn Nhạc bị quân ta bắt, cho ở đất Tây Sơn" (Đại Nam chính biên liệt truyện).

  Long Vân Khánh Hội (Chiếc đĩa vẽ Chàm 34cm, giả thuyết là quà tặng của vua Càn Long tặng vua Quang Trung) - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo

          Đất Quy Nhơn - quy tụ con người, quy tụ và hỗn dung nhiều tầng - nền văn hóa đã là cơ sở của sự tạo lập đất mới. Dưới chính quyền Chúa Nguyễn, với vị thế đặc biệt của mình - cửa ngõ nhìn ra biển Quy Nhơn, nơi đây đã sớm thiết lập cơ chế quản lý hành chính. Cơ sở kinh tế của thời kỳ cát cứ này là ruộng "Bán bức  tư điền", dấu ấn tư hữu hóa của thời khẩn hoang và từ Quảng Nam trở vào ở những nơi gần núi, ven biển Chúa Nguyễn cho đặt các thuộc. Thuộc bao gồm nhiều thôn, phường, nậu, man (tức là nơi định cư lập làng canh tác nông nghiệp). Theo Nguyễn Đăng Đệ, ký lục chính định khi tuần xét Quảng Nam năm 1726, thì Quy Ninh có 13 thuộc (Chuyển dần từ lịch sử thành phố Quy Nhơn. Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu.  Nhà xuất bản Thuận Hóa 1998). Thuộc, một đơn vị quản lý cấp cơ sở, là kết quả của quá trình cộng cư của các chủ sở hữu được thiết lập trên cơ sở sự thúc đẩy của chính sách khai hoang. Chính cơ sở quan trọng này đã cho làng Việt ở Trung bộ nói chung và Bình Định nói riêng một đặc điểm quan trọng - đó là tính tư nhân hóa ngay từ đầu và xu thế tư hữu hóa mạnh trở thành sở hữu chính của quỹ đất.

          Như vậy, bước sang thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn, đất Quy Nhơn mới có đủ điều kiện quy tụ nhân tài, con người từ nhiều nơi để tạo cho vùng đất này sự phát triển khá toàn thịnh. Cư dân đến đây là những tù nhân, tù binh, ngoài ra còn có những người dân lưu tán do nạn đói, do bất đắc chí, trong số đó có Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến… Về sau này có Trương Văn Hiến (giáo Hiến) và cả những người Minh Hương. Vào thế kỷ thứ XVII khi Trung Quốc có biến loạn, nhà Thanh thay thế nhà Minh thống trị Trung nguyên, nhiều cựu thần nhà Minh, những toán quân có mộng ước "Phản Thanh phục Minh" đã rời bỏ đất nước chạy sang Đại Việt. Ở phủ Quy Nhơn, người Hoa nhập cư vào các làng Cảnh Hàng, An Thái, Nước Mặn… Gia phả các dòng họ người Hoa ở phủ Quy Nhơn, họ Lâm, họ là người Hoa nhập cư vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Người Hoa nhập cư chủ yếu là buôn bán và làm nghề thủ công. Có thể hình dung bước đi của người Hoa vào Bình Định, buổi đầu tập trung ở các thị tứ Nước Mặn vốn rất phồn vinh đồng thời với Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) vào thế kỷ thứ XVII-XVIII. Phố cảng Nước Mặn nay không còn, song trong các tài liệu Xứ đàng trong 1621 của Christopher Borri, P. B. Lafont, Poivre… đều có sự mô tả về phố cảng này với sự phồn thịnh hiếm thấy nhờ thương mại mà trong đó, thương nhân chủ yếu là người Hoa bên cạnh người Việt, nhưng người Hoa có truyền thống về thương mại hơn và họ lập các làng Minh Hương với các tên tuổi còn lưu trong ký ức dân gian. Họ Ngụy - một dòng họ nhiều hiệu buôn, đại phú thương, Khách Sáu chuyên buôn bạc. Nước Mặn suy tàn vào thế kỷ XIX và cư dân chuyển sang Gò Bồi, Cảnh Hàng, những thị tứ hình thành trong điều kiện phát triển thương nghiệp song không phồn vinh như Nước Mặn trong thế kỷ XVII-XVIII. Hội quán Xuân Hòa, chùa Hội Khánh… là dấu tích để lại của người Hoa. Nước Mặn - Gò Bồi, cư dân Minh Hương còn lên Cảnh Hàng, An Thái tạo thành những dòng họ, mà đậm nét nhất hiện nay vẫn còn dấu tích của những làng thương nghiệp Cảnh Hàng, An Thái có tính phố chợ của người Hoa.

          Người Việt và người Hoa ở quanh đồng bằng Bình Định tạo thành một sắc thái đa văn hóa ở đây; sự tiếp thu các yếu tố văn hóa, trong đó có võ nghệ, chủ yếu thông qua cộng cư và thương mại. Đối với Nguyễn Hoàng, người có công lớn trong công cuộc Nam tiến của dân tộc, thì tầm nhìn của ông đã mở, không chỉ có bó hẹp trong không gian làng xã xưa. Lời trối trước khi chết của Nguyễn Hoàng cho thấy tầm nhìn rất xa của ông "đất Thuận Quảng phía bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bi (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng". Tầm nhìn ấy đã mở đường cho chiến lược với vùng cao nguyên của họ Nguyễn, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại trong thời kỳ này.

                       Ai về nhắn với nậu nguồn                  Măng le gùi xuống, cá chuồn gửi lên

          Câu ca dao của người Việt Nam trong vùng Quy Nhơn đã phản ánh sự giao lưu buôn bán giữa người Việt với người vùng cao mà An Khê khi đó là nơi tập trung thương mại của Quy Nhơn với nhiều mặt hàng quí hiếm như gỗ, trầm hương, ngà voi và các sản phẩm khác như trầu cau, mật ong... Một nhân tố gần gũi giữa Việt và Bana đã xuất phát từ đây. Người Việt gọi sự buôn bán, giao thương này là "đi nguồn", nghĩa là đi và thu gom những gì quí báu ở miền núi và qua đó cũng tiếp xúc với văn hóa của các cư dân vùng cao, tiếp thu truyền thống thượng võ của họ và sau này đến thời Tây Sơn, ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đã biết dựa vào người Thượng để làm chủ Tây Sơn thượng đạo. Chính sách của họ với Tây Nguyên là tìm cách liên minh bằng hình thức hôn nhân và chính điều này đã tạo cho họ đứng chân vững chắc, đương đầu với thế lực họ Trịnh đàng ngoài.

Tác giả đọc tham luận - Ảnh:Nguyễn Đình, báo Sài Gòn Tiếp Thị

          Sự cộng cư của người Việt và các dân tộc bản địa, người Thượng cũng như người Minh Hương sau này chúng ta có thể hình dung được: Người Việt chiếm giữ ở các vùng đất bằng ở hạ nguồn và cửa biển, do quá trình chuyển cư bằng đường thủy cũng như đường bộ đã tiến dâng lên dọc sông, sát cánh với các dân tộc khác ở cao nguyên. Người Hoa vào vùng Bình Định bắt nguồn chủ yếu bằng đường thủy, chiếm cứ những vùng đất thuận tiện trong việc phát triển thương mại dần lên dọc sông tiến tới đầu nguồn, hình thành những làng công thương đặc trưng mang dấu ấn người Hoa. Ở Bình Định có thể thấy vai trò của con sông Côn, tạo thành những đợt chuyển cư tiến dần lên đầu nguồn từ Kẻ Thử, Nước Mặn, Gò Bồi, Cảnh Hàng, An Khê với các thương nhân Hoa tạo thành đời sống phồn thịnh giữa miền ngược và miền xuôi và sự phát triển giao lưu cũng song hành trong bước đi, để rồi hội nhập với các sắc tộc khác ở vùng cao nguyên miền núi. Một yếu tố khác đã góp phần tạo cho đàng trong, trong đó có Bình Định sự phát triển giao lưu cởi mở là sự vươn mạnh của "Thương mại". Ngoài Nước Mặn - phố cảng quan trọng và Gò Bồi - thị tứ khá phát triển là các thương nhân người Hoa, Hà Lan, Nhật… vào đây buôn bán. Họ Nguyễn đã mở rộng cửa cho thương nhân người Hoa, người Nhật vào buôn bán và chính tại phủ Quy Nhơn, hai linh mục người Âu đã Latinh hóa Tiếng Việt đầu tiên… (Phương Tây với miền Trung, Nguyễn Xuân Nhân, Tạp chí Xưa và Nay, 6/1997).

          Chính tất cả những tiền đề cơ bản ấy đã tạo cho phủ Quy Nhơn xưa một thế linh hoạt của phép ứng xử văn hóa. Họ đã thâu nhập, tiếp nhận và Việt hóa để góp thêm vào vốn văn hóa Việt Nam mang đi trong hành trình xây dựng vùng đất mới. Song tất cả dẫu sao cũng chỉ là tố chất nền để có cơ sở cho sự ra đời Làng võ, ngoài ra còn cần những yếu tố trực tiếp khác mà trước hết là chính sách của những vị đại quan, những tay kiệt thiệt giúp Chúa Nguyễn đang ngụ cư trên đất Bình Định. Trước hết là chính sách của Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Giật.

          Đào Duy Từ là cha đẻ của hai bức lũy ở Quảng Bình nhằm chặn lại bước tiến của quân đàng ngoài và Bộ binh thư Hổ trướng khu cơ đã dạy tướng sĩ đàng trong cách bài binh bố trận. Đây là một sáng tạo của quân sự - võ học lớn của Việt Nam đầu thế kỷ thứ XVII, gồm ba quyển Thiên - Địa - Nhân với 17 chương, 37 điều giới thiệu những phương pháp thực hành quân sự trong mưu toan cát cứ lâu dài, đối đầu với nhà họ Trịnh. Nhìn chung Hổ trướng khu cơ là một bộ sách hướng dẫn tỷ mỷ các trận đồ - trận pháp, cách sử dụng và chế tác binh khí, thể hiện một cách rõ ràng binh chế, binh pháp của chúa Nguyễn, song chưa thấy sự phát triển của võ nghệ lúc này. Bên cạnh Hổ trướng khu cơ, Đào Duy Từ còn giúp chúa Nguyễn nhiều ý kiến, phương sách ngoại giao, đặc biệt là về chấn chỉnh phong tục, chính sách thuế khoán, ruộng đất, trong những ngày đầu khai nghiệp và chắc chắn là có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội đàng trong.

          Nguyễn Hữu Tiến lại là một người đưa ra chính sách võ nghệ "Cho con em dân được đi thi võ". Chính sách này là nền tảng cho võ nghệ từ đất Bắc vào lúc đó chỉ tồn tại trong quan lại, ưu binh, hòa vào dòng võ dân gian đã được cải biến cho phù hợp với điều kiện sinh thái - văn hóa xã hội đàng trong. Tất cả những chính sách này cũng như việc cởi mở về thương mại, kinh tế xã hội, quân đội và võ thuật là tiền đề hình thành của võ nghệ, võ Bình Định. Nói đến võ, không thể tách ra khỏi những chính sách chung về quân đội và tổ chức quân đội của chúa Nguyễn. Chính các chính sách chiêu mộ càng nhiều càng tốt để gia nhập quân đội và đặc biệt như Li tana đã nhận xét: "Hẳn là sẽ khó khăn đối với chính quyền họ Nguyễn nếu chỉ nói đến "Quân" mà không có "Dân" hoặc ngược lại, cả hai gần như là một vậy. Về việc sử dụng từ "Quân" - "Dân" thường xuyên trong tiền biên để chỉ người dân đã tạo thuận lợi cho sự phát triển võ nghệ. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài nửa thế kỷ hơn thế nữa đã tác động mạnh đến sự phát triển các lực lượng vũ trang mà chúa Nguyễn chỉ bằng một phần tư chúa Trịnh. Phải nói rằng bản thân chúa Nguyễn càng về sau càng có nỗ lực xây dựng, chính xác hơn là chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự, song đã bị gián đoạn vì chiến cuộc Tây Sơn. Bởi thế, văn quan và các viên chức dân sự buổi đầu chỉ là phụ tá cho võ quan và việc phát triển quân chính qui cũng như quân địa phương (Thổ bình - Địa phương quân hoặc Thuộc binh - Quân phụ thuộc) lại chính là yếu tố tạo thành cơ sở cho sự lan tỏa của võ nghệ trong dân chúng. Tổng hòa tất cả những điều kiện, nhu cầu tất yếu đó là cơ sở, tiền đề cho sự ra đời mạnh mẽ của võ nghệ đàng trong giai đoạn này, cụ thể là võ Bình Định mà chúng ta sẽ đi sâu vào phần sau.


  Võ Sư :  Nguyễn Vĩnh Hảo    
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định  
Chủ Nhân : Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa -  Bình Định  

(Theo gosanh.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2023 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn