TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 000930483
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa - Bài 2
06.08.2007 08:01 - 2627

Xem hình
Thầy phạt - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo
Phần thứ nhất
Làng võ Bình Định một quá trình phát triển
I – Quá trình hình thành vùng Lưu Viễn Châu (1471 - 1578) hay thời kỳ manh nha của võ Bình Định

Hướng về Nam, theo bước chân Nam tiến của người xưa, ta đi từ tam giác châu Sông Hồng, qua xứ Thanh, xứ Nghệ, cất bước qua Bình – Trị - Thiên một thời khói lửa để đến với Bình Định…

"Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng chốn kinh đô 
Bình Định đồng khô cỏ cháy                       
Năm dòng sông chảy                     
Sáu dãy non cao”  
                                  (ca dao) 

           Đứng trên mảnh đất đã qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, ta trở ngược thời gian để về với buổi ban đầu, khi người Việt xưa cất bước đến xứ này.

          Trước khi có sự hiện diện của cư dân người Việt, Bình Định hãy còn là đất đai của vương quốc Champa, xứ trầm hương nổi tiếng trong lịch sử Vijaya, tên gọi của tiểu quốc – thánh địa Đồ Bàn – thương cảng Thị Nại tựa trên dòng chảy của con sông Côn (tên chữ là Hà Giao). Đất đai Bình Định nằm giữa núi và biển, dải đồng bằng hẹp lại bị chia cắt bởi những con sông chảy dốc. Đây là "vùng đất rời rạc nhất thế giới" (Gonrou) mà bản thân Champa xưa cũng chỉ có mô hình vương quốc theo kiểu mandala với nhiều tiểu quốc. Bình Định nằm gọn trong vùng tự nhiên thứ hai với một dải đồng bằng, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, nơi có nhiều sắc tộc ít người khác nhau của hai ngự hệ Nam Á và Nam Đảo cư trú. Chính cái địa hình tự nhiên ấy của Bình Định đã góp phần hình thành tính cách của người Bình Định, văn hóa Bình Định và tất nhiên Làng võ Bình Định sau này.
        
          Trước khi có những đợt di dân chính thức về sau này, người Việt đã có một số ít di tích vào đến đất này. Một số truyện kể dân gian Bình Định vẫn còn lưu giữ những hình ảnh những thương nhân đàng ngoài vào đất này làm ăn buôn bán, trong đó có cả chuyện tình của cô gái Việt Nam với quan trấn thủ Đồ Bàn. Đó là những dẫn chứng cho thấy sự cộng cư Việt - Chăm đã từng diễn ra ở đất này, song có lẽ lúc đó, cư dân người Việt còn quá ít để có thể nói đến sự giao lưu văn hóa.
         
          Năm 1471, Lê Thánh Tông tấn công bằng quân sự vào Champa và chiếm Vijaya, lúc này đã là kinh đô của vương quốc này. Thật ra, trước Lê Thánh Tông, năm 1376 Trần Huệ Tông cũng đã cử 12 vạn quân thủy đánh vào Đồ Bàn, năm 1403 Hồ Hán Thương đem 20 vạn quân vây thành Đồ Bàn hai tháng trời, song các cuộc tấn công này đều thất bại. Chỉ đến năm 1471, sau khi chiếm được Đồ Bàn, Lê Thánh Tông đã sát nhập vùng đất mới này vào đạo Quảng Nam. Lãnh thổ Đại Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên), nơi Lê Thánh Tông cho mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành, khắc chữ "Chiêm Thành qua đây sẽ bại binh mất nước, An Nam qua đây binh tướng chết bị tan". Đất đai đã mở, vua chia đất này làm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhơn. Với sự kiện lịch sử này đã mở ra thời kì di dân kéo dài và liên tục của người dân Việt vào đây.
         
          Năm 1474, chính quyền nhà Lê đưa các phạm nhân tới vùng đất này. Hoài Nhơn khi đó là vùng đất xa nhất để lưu đày tù nhân, họ là tổ tiên của một số còn lại ở Bình Định. Tiếp theo đó, với việc năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng với nhiều quan lại, gia đình tới đất Thuận Hóa, đánh dấu một đường phân nước trong hành trình Nam tiến. Việc Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa chắc hẳn có đem theo nhiều nghĩa dũng, quân lính, quan lại để đem lại cho đàng trong một bộ mặt thay đổi. Chắc hẳn, trong những cư dân theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam có khá nhiều cư dân phân tán, những con người không chịu đựng được cuộc sống đàng ngoài với nhiều sức ép đến từ làng nước, những tội nhân và tù nhân, những con người bất mãn với chính sách của chúa Trịnh… Đất mới lại càng có điều kiện để tiếp thêm nhiều cư dân mới. Với Bình Định, năm 1587 khi chúa Nguyễn đặt Lương Văn Chính làm tri huyện Tuy Viễn, chính thức áp đặt một nền hành chính vào vùng đất mà trước đó chưa xa hãy còn là vùng biên viễn này, đã kết thúc thời kì khai phá và hình thành vùng đất Lưu Viễn Châu.    
         
          Đất mới với điều kiện tự nhiên, xã hội khác hẳn cái không gian làng xã, ruộng đồng của Bắc bộ, Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung đối với cư dân đàng ngoài lúc ấy trước là vùng biên viễn, sau là xứ sở xa lạ với nhiều cái mới. Trụ chân trên một vùng đất dài về bề ngang, hẹp về bề rộng, nhìn ra phía sau là núi, ngóng ra trước mặt là biển mà người Việt từ xưa, vốn đã tự quay mình vào trong cái khuôn khổ chung của tư duy làng xã, đã mất đi tầm nhìn biển nên càng thấy xa lạ, bức bối. Đứng trên đất ấy, những lưu dân xưa đã chấp nhận tồn tại cùng với thiên nhiên.
         
          Cũng cần nói thêm là cư dân Việt khi ấy vốn là tội nhân, lưu dân tứ tán, đặc biệt là xuất phát nhiều từ vùng Thanh - Nghệ nên cái cốt cách ngông nghênh, ngang tàng, có chút khí phách giang hồ hãy còn trong dòng máu. Vào đất mới, họ đem theo cái khí chất ấy cùng những thế võ đất Bắc vào đây để chống chọi cùng thiên nhiên. Đầu óc thực dụng và tính mềm dẻo của văn hoá Việt là lăng kính để họ vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ở cư dân bản địa và phát triển nó cho phù hợp với đất mới. Võ Bình Định cũng hình thành chính trong quá trình không từ chối tiếp thu văn hóa đó.
         
          Đã từng cộng sự, dù với số lượng ít cư dân Champa trước đó, mà năm 1471 trước khi tấn công Champa, Lê Thánh Tông kê khai các tội Champa đã phạm, trong đó có tội Việt Nam, người Việt chắc hẳn có tiếp xúc với văn hóa Champa. Đặc biệt là sau 1471, khi vào đất mới, tiếp xúc với di sản to lớn của vùng đất này, người Việt đã nhanh chóng tiếp thu nhiều ảnh hưởng. Tất nhiên, bản thân đất mới với điều kiện tự nhiên khác đã là cơ sở cho sự biến đổi làm cho nền văn hóa Việt phong phú thêm nhiều. "Từ nay sẽ có hai cách thức làm người Việt khác nhau", nói như nhà Việt Nam học Li Tina, và như vậy ngay cả những yếu tố văn hóa Việt khi vào đây cũng được biến đổi đi cho phù hợp. Tìm hiểu võ thuật dưới cái nhìn văn hóa đòi hỏi phải đặt sự hình thành của võ thuật trong diễn trình văn hóa. Do đó, chúng tôi sẽ dừng lại để đi sâu vào một yếu tố có tính tiếp biến văn hóa.
         
          Trong tất cả những thành tố văn hóa, những thành tố văn hóa vật chất ghi dấu sự tiếp biến văn hóa một cách rõ ràng nhất mà trước hết là với người Chăm. Rất nhiều công trình khảo cứu trước đây đã đề cập đến sự ảnh hưởng qua lại Việt - Chăm này. Chẳng hạn, về kinh tế nông nghiệp (tất nhiên vai trò của nông nghiệp so với các ngành kinh tế khác có khác nhau) và do vậy, công cụ sản xuất cũng ảnh hưởng của nhau, nhất là khi cư dân Việt vốn là dân di cư đến một vùng đất mà ở đó còn khá xa lạ với họ nên họ sẽ tiếp thu nhiều yếu tố có tính kĩ thuật của cư dân Chăm trong sản xuất. Lúa Chiêm là một ví dụ tiêu biểu. Ngoài ra, theo một số nhà sử học, cây cày của người Việt đồng bằng sông Hồng và sông Mã vốn phù hợp với đất đai phía Bắc, đã được canh tác hàng ngàn năm nên không mạnh ở đế, có một lưỡi nhỏ và nhẹ để một kéo cũng kéo nổi. Vào đất miền Trung, vừa hẹp, cứng, lại dày cỏ nên cây cày của người Việt tiếp thu cây cày của người Chăm và cải tiến đi. "Người Việt đã chế thêm một cái nang để điều chỉnh góc và biến cây cày này thành một loại cày mới. Các bộ phận của cây cày của Chăm đều giữ lại tên gọi của tiếng Chăm như Pah lingal, lưỡi xới, Iku chỉ tay cầm, Thru chỉ lưỡi nang hay tế nang". Ngoài ra, văn hóa Chăm còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống người Việt. Chẳng hạn từ ăn gả đến cách thức đội khăn, chôn cất người chết trong huyệt kiểu Chăm, mẫu ghe bàu ở đàng trong thế kỷ 16 đến 19… Để đi sâu hơn vào ảnh hưởng của văn hóa Chăm với người Việt ở vùng Bình Định, chúng tôi tập trung vào một số yếu tố chính và có thể còn  thấy rõ  ở trên đất Bình Định hiện nay. Trước hết, xin bắt đầu từ ngôi nhà lá mái - một sản phẩm độc đáo của văn hóa cư trú, kiến trúc của người Bình Định. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những nét giống giữa nhà lá mái với nhà của người Chăm Thuận Hải hiện nay, mà trong trí nhớ của cư dân Chăm Thuận Hải thì đều do thợ Bình Định xây cất. Đó là lẩm đất, một sáng tạo độc đáo để vừa phòng hỏa, vừa để giữ ấm nhà vào mùa đông và mát về mùa hè. Độc đáo hơn, trong kiến trúc nhà lá mái còn có bộ phận chày - cối là hình tượng linga - yoni của người Chăm. Mà đâu phải đơn giản chỉ là sự giống nhau, ngay trên những lá bài của môn nghệ thuật đánh bài chòi của người Bình Định có con Nhứt nọc biểu hiện linga và Bạch huế biểu hiện yoni. Nghệ thuật hát bội của người Việt khi theo chân lưu dân đất Bắc vào vùng này cũng chịu ảnh hưởng của múa Chăm và tạo thành một dòng hát bội xuất sắc.
         
          Đâu chỉ phải tiếp thu, người Việt khi vào đất mới đem theo trong hành trang của mình bề dày truyền thống. Những thành tố có sẵn đó khi gặp điều kiện tự nhiên - xã hội khác biệt, tiếp xúc với một nền văn hóa khác biệt thì cũng có thêm những nét khác biệt thật lạ và độc đáo so với chính thành tố đó ở đất Bắc. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến chính chiếc bánh gai (Bắc bộ) và bánh ít lá gai nổi tiếng của đất Bình Định. "Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi" - câu ca xưa đã hát vậy. Song bánh ít, kể từ cách chế biến bột, nhân, cách gói đều có nét giống chiếc bánh gai miền Bắc. Cái khác ở đây là hình dáng chiếc bánh.
Trống trận Tây Sơn - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo 
 
          Nếu chiếc bánh gai Bắc bộ qua mấy lần lá gói, dẹt và phẳng giống như chiếc yếm đào của người phụ nữ đất Bắc, cốt che đậy hơn là nâng đỡ, thì chiếc bánh ít Bình Định lại nhọn lên thật gợi cảm. Nhìn chiếc bánh ít, ta liên tưởng tới những cô gái Champa, những vũ nữ apsara với bộ ngực tròn đầy, căng phồng và nhọn dập dìu theo từng điệu múa vũ trụ. Có lẽ, đến ngay chiếc bánh cũng đã mang theo trong về cái quan niệm riêng về vẻ đẹp, nơi che đậy, kín đáo; nơi thì nâng đỡ, ngợi ca, song lại không hề phàm tục mà linh thiêng đến chừng nào. Chiếc bánh gai dẹt và phẳng đã phải nhượng bộ trước thiên nhiên nắng và gió để vươn lên như tượng trưng của sức sống mãnh liệt và kiên cường của người dân xứ nẫu.
         
          Không có ý định đi sâu vào những sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa Việt - Chăm, tất cả những ví dụ trên đây của chúng tôi chỉ nhằm chứng minh cho một sự thật, rằng văn hóa và lối sống với các thành phố luôn chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên - xã hội, sự giao thoa của văn hóa. Nó là thể vận động, và không khác, võ - với tư cách là thành tố của văn hóa ứng xử, một sáng tạo sản phẩm của con người cũng không đi ngoài qui luật đó.
         
          Võ đã theo những lưu dân Việt vào đất Bình Định này có lẽ từ những ngày đầu tiên ấy bởi những lưu dân, thường là tội lưu, giang hồ khách hay nghĩa dũng theo chân các vị quan lại cùng Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất mới. Những thế võ, động tác võ cũng được biến đổi, trước hết là cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của dải đồng bằng hẹp, ven biển, không có đất đai như Bắc Bộ. Sau nữa là ảnh hưởng của văn hóa bản địa. Võ Bình Định hình thành từ sự biến đổi đó.
         
          Trong hai yếu tố trên, ở yếu tố thứ nhất, võ đã không còn thuần túy là những động tác rèn luyện thể chất, tinh thần, kỹ năng chiến đấu cụ thể, trước hết là chống chọi cùng thiên nhiên, sau là với thế lực phía Bắc - đằng ngoài của họ Trịnh. Đây là chuyện về sau. Còn yếu tố thứ ba, như PGS Cao Xuân Phổ đã phân tích và gợi ý: Khi quan sát "Cô gái Trà Kiệu": "Tay phải sắp tung ra, như để tấn công. Tay trái sắp quét qua thân dưới, như để tự vệ. Thì ra hai cánh tay mềm mại của cô gái Trà Kiệu lại là một thế võ. Ít nhất thì tôi cũng nghĩ thế. Một thế võ tuyệt diệu. Càng tuyệt diệu là người nghệ sĩ Chăm đã chọn, để thể hiện thế võ ấy, phút giây bi tráng nhất. Sắp tung ra, nhưng chưa tung. Sắp quét về, nhưng chưa quét. Chưa. Nhưng sắp. Vì thế mà mềm, mà uyển chuyển. Nhưng lại rất căng, rất mạnh. Tưởng như bất động. Mà đấy là chuyển động" (1) . Chưa nói đến sự chính xác hay không chính xác của liên tưởng nói trên, nhận xét này của PGS Cao Xuân Phổ đã là một gợi ý tuyệt vời cho việc tìm hiểu những ảnh hưởng của Văn hóa Champa vào võ Bình Định. Chắc chắn là khó, song mức độ thế nào, ra sao còn đòi hỏi phải có sự hợp lực của nhiều nhà khoa học ở nhiều ngành.
         
          Thời kỳ hình thành Lưu Viễn Châu (1471 - 1578), võ Bình Định khi manh nha ra đời đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Champa bản địa trong việc hình thành những thế võ, động tác võ. Võ Bình Định tiếp thu văn hóa Chăm, điệu múa Chăm với nhiều động tác tay, đã phát triển hơn, đặc biệt là ở những kỹ năng chiến đấu. Ngoài ra, trong thời kỳ này, văn hóa của các dân tộc thiểu số quanh vùng Bình Định chưa có nhiều ảnh hưởng và sức tác động cũng chỉ giới hạn ở tinh thần thượng võ, chiến đấu để bảo vệ bản làng. Ảnh hưởng mạnh hơn, nếu có, chỉ có thể ở giai đoạn sau khi nhà Nguyễn bắt đầu chính sách phát triển phía Tây; đặc biệt là khi nhà Tây Sơn ra đời, dựa trên rất nhiều vào các cư dân Thượng, Tuy, Srông… vẫn còn cư ngụ nhiều quanh các dãy núi phía tây huyện Tuy Viễn. Không gian xa, sự trộn lẫn về nếp sống, môi trường sống có thể là yếu tố quan trọng nhất để cư dân Việt tiếp thu được những ảnh hưởng mạnh mẽ sau này.
         
          Trên đây, chúng tôi đã trình bày thời kỳ manh nha của võ Bình Định trong giai đoạn hình thành vùng Lưu Viễn Châu từ cái nhìn tiếp xúc, giao lưu văn hóa. Tất nhiên, chưa đủ cứ liệu vật chất để đi sâu hơn, chúng tôi chỉ tạm dừng ở những nét sơ khởi nói trên ngõ hầu chỉ ra được một cách vắn tắt sự ra đời tất yếu của võ Bình Định như là một sản phẩm của cư dân Việt trên một nền tảng khác biệt về tự nhiên - xã hội.
         
          Với những bước đi sơ khởi, manh nha đó, tất nhiên ta chưa thể nói về sự xuất hiện của làng võ Bình Định. Có chăng, võ Bình Định lúc này dừng ở một số thế võ, động tác ứng dụng trong lao động, chiến đấu được truyền  bá rộng rãi, phổ biến trong cư dân đất mới như một thứ vũ khí đắc lực của họ. Đây chính là cơ sở để sau này, trên cơ sở sự phổ biến đó, làng võ Bình Định mới ra đời và phát triển. Bởi vậy chúng tôi xem đây chỉ là thời kỳ manh nha của võ Bình Định và làng võ Bình Định.   

II. Thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn (1578 - 1771)

 Những cơ sở của sự hình thành Làng võ Bình Định

(Còn nữa...)


Võ Sư :  Nguyễn Vĩnh Hảo    
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định  
Chủ Nhân : Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa -  Bình Định  

(Theo gosanh.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2023 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn