Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa - Bài 1
26.07.2007 18:24 - 2948
Phần mở đầu Phương Đông thâm trầm và huyền bí, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị tinh thần đặc sắc của nền văn minh nhân loại. Sau một thế kỷ cực kỳ hưng thịnh của nền văn minh kỷ trị phương Tây, thế kỷ 20 người ta đợi chờ và hy vọng, hướng đến phương Đông. “Mặt trời lại bắt đầu từ phương Đông” như dự đoán của nhà sử học Anh Toyn -bee.
Mà chẳng phải đợi đến lúc này, từ lâu, con đường tơ lụa, những thầy Fakia gầy nhom ẩn cư trên những hang động cheo leo Tây Tạng và những lão sư râu tóc bạc phơ náu mình tận lam sơn cùng cốc. Những phép rèn luyện thể chất và tinh thần độc đáo như yoga, như võ thuật… đã có sức hút lạ kỳ với thế giới vốn đang vội vã, quay cuồng và hoài nghi về niềm tin. Con đường tơ lụa, con đường giao thương và buôn bán xưa cũng là chiếc cầu nối Đông – Tây có thể được thay thế bằng những phương tiện văn minh và hiện đại thì võ nghệ vỡi những nét độc đáo của nó vẫn còn nguyên giá trị vừa tinh thần, vừa thực tiễn, bàng bạc sức hấp dẫn của chất huyền bí phương Đông, phương Đông từ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… đó là chiếc nôi của nhiều nền võ thuật đã phát sinh ra nhiều trường phái, môn phái. Với tư cách là sản phẩm sáng tạo của con người để tự rèn luyện cả về thể chất và tinh thần, võ nghệ mang tải đậm nét những dấu ấn có tính riêng biệt về điều kiện lịch sử - tự nhiên và xã hội cụ thể, tạo thành các bản sắc của các nền văn hóa và võ nghệ thật sự là một bộ phận không thể tách rời của những nền văn hóa dân tộc đó. Nếu ở Nhật Bản tần lớp samurai (võ sĩ đạo) được hình thành do việc các gia đình quí tộc tuyển mộ quân sĩ để đoạt quyền ở các địa phương thành những lãnh địa trong giai đoạn Heian và ngay từ đầu thế kỷ 13, giai cấp này đã gạt được giai cấp quí tộc vốn đã nắm quyền từ khi thành lập nhà nước Nhật hoàng đầu tiên. Samurai với những tiêu chuẩn đạo lý kết tinh lại vào thế kỷ 17: Có dũng khí tận tâm thờ chúa, bênh vực người thế cô đã in đậm dấu ấn vào văn hóa Nhật Bản thời phong kiến từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19. Những kỷ luật, qui tắc busiđô được phản ảnh qua mỹ thuật, tôn giáo tạo thành phong cách nghệ thuật dân tộc cổ điển giản dị và khác biệt, với tinh thần Heian trước đó vốn nặng về tình duyên xa hoa, nữ giới, nghệ thuật võ sĩ đạo ở Nhật Bản như là một giai cấp, một tầng lớp xã hội và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình văn hóa Nhật Bản. Ở Trung Hoa tình hình lại khác, những võ sĩ, võ sư tuy không thành một tầng lớp như Nhật Bản song lại được kế thừa từ các môn phái, truyền thừa từ các trường phái bằng những nội qui được giới hạn trong những cá nhân đồng cảm. Từ đó mỗi môn phái, một trường phái có một nhất quán chung. Có thể thấy với những đặc trưng truyền thừa như vậy, võ nghệ Trung Hoa đã mang theo tinh thần văn hóa Trung Hoa luôn có xu hướng phát triển theo chiều dọc thành các trường phái với các tổ sư và môn đệ riêng biệt. Chẳng hạn, Phật giáo Trung Hoa qua nhiều thanh lọc và bồi bổ và các đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, đã dần hình thành hàng loạt các tông phái: Tạm Luận tông, Thiên Đai tông, Pháp Tướng tông… Trong võ thuật là các môn phái Thiếu Lâm, Thái Cực… mà nếu Thiếu Lâm trọng dương thần cương nhanh mạnh thì Thái Cực trọng âm truyền nhu, uyển chuyển, vững vàng. Mỗi trường phái có một thế mạnh riêng và sự phân chia ra thành các môn phái, trường phái chính là một đặc trưng lớn trong võ thuật Trung Hoa. Riêng với Việt Nam – nơi võ nghệ hình thành và phát triển song trùng với lịch sử của những đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, võ nghệ không mang tính bí truyền của một dòng họ, kế thừa của một môn phái, truyền thừa của một trường phái mà được phổ biến rộng rãi trong từng đơn vị cộng đồng và phát triển dọc theo cuộc hành trình của cả dân tộc, võ Việt Nam vốn đã mang sẵn tinh thần yêu nước, thượng võ và tất nhiên do thường xuyên phải kết liền cộng đồng thành một khối để giữ nước mà võ nghệ phải được phổ cập đến từng đơn vị cộng đồng: Làng Việt và từng cá nhân của cộng đồng đó. Có thể thấy tính phổ cập không có xu hướng phát triển thành môn phái, trường phái mà chủ yếu là phát triển theo bề rộng của không gian xã hội, là một đặc điểm có tính độc đáo của người Việt Nam. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có đôi lúc, đôi khi bắt đầu có mầm mống phát triển trường phái, môn phái, chẳng hạn trong Phật giáo ta có phái Tỳ Bà Đa Lưu, Thảo đường Trúc Lâm… Song không đều truyền thừa theo lịch sử. Trúc Lâm thiền phái, một trong những phái tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam và thiền tông Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào quá trình chống lại sự nô dịch của văn hóa phương Bắc, nói cách khác là “Giải Hán hóa” và như vậy thiền tông Việt Nam này mang đậm tính dân tộc. Về Phật học, phái này cũng đã đẩy tính chất Phật giáo của Việt Nam lên một bước với tính triết học của mình. Song với vài ba vị Tổ cùng sống một thời, những nhà sư kế tục ít được nhắc đến và mãi 500 năm sau, Ngô Thời Nhậm mới tự xưng là Trúc Lâm đệ tứ Tổ, thì rõ ràng Trúc Lâm thiền phái cũng không tìm thấy con đường truyền thừa nằm ngoài truyền thống vốn không có xu hướng phát triển thành các trường phái của người Việt. Mặc nhiên Trúc Lâm thiền phái đã phải hòa chung vào dòng chung của thiền Việt Nam và giới hạn ý nghĩa như một bước tiến của Phật giáo trong lòng dân tộc. 
Biểu diễn bài Hùng kê quyền (Võ phái Tây Sơn Bình Định). “Vạn Kiếp bí truyền thư” của Hưng Đạo Vương – một võ thư kết hợp hài hòa giữa thành tựu của người xưa và kinh nghiệm thực tiễn của những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đời Trần, cùng với việc lập các điền trang, thái ấp của các vị vương hầu lúc này đã phần nào cho thấy có thể xu hướng tạo lập những môn phái trong lịch sử võ dân tộc trong thời kỳ này mà tính chất này rất đậm ở hai chữ "bí truyền". Song, dường như Trần Quốc Tuấn, người xây dựng bộ võ như này cũng chưa hẳn có ý định bí truyền, hoặc nếu có cũng không thể bí truyền được bởi một hoàn cảnh lịch sử phải thường xuyên đối mặt với ngoại xâm đang đòi hỏi sự cố kết chung của cả dân tộc. Thực tế đã chứng minh không hề thấy xuất hiện hay tồn tại một phái võ nào trong giai đoạn này. Hai ví dụ nhỏ, một về lịch sử triết học và tư tưởng, một trong lịch sử võ thuật cho thấy người Việt và dân tộc Việt đã không có truyền thống tạo lập thành các trường phái dòng bí truyền. Quả thật, đến đầu thế kỷ 20 đã có hai môn phái võ ra đời đáng chú ý: Vovinam và Bình Thái đạo. Vovinam ra đời như một tất yếu lịch sử để phản ứng lại chính sách văn hóa thực dân và mang tính thể thao nhiều hơn là tính chất bí truyền của một dòng võ. Với sự kiện năm 1954, khi một số người Việt và phương Nam, phương pháp tập luyện này cũng theo chân đó để rồi tiếp tục sinh sôi nảy nở. Đến năm 1975, lại tiếp tục lan ra nước ngoài rồi phát triển khá lớn mạnh. Tuy vậy! Một phái võ của người Việt nhất thiết phải phát triển trong dòng chảy nội tại của một dân tộc và được người Việt đánh giá và chấp nhận như một tiêu chí thẩm định. Hơn nữa, để hình thành một trường phái rất cần có thời gian trong khi vị chưởng môn đời thứ hai đang có những bối rối về bước phát triển của môn phái mình. Còn “Bình Thái đạo” một môn phái được nảy sinh trên vùng đất võ Bình Định, như lời tự nhận của người sáng lập, lúc đầu chỉ với mục đích truyền bá trong gia đinh dòng họ, song do yêu cầu của nhiều người ông cho truyền bá rộng rãi vào trong từng làng xóm nhỏ. Bình Thái đạo dù với mục đích ban đầu như vậy, song đã phát triển cũng không thể đi ra ngoài qui luật chung của văn hóa Việt. Võ nghệ Việt Nam như vậy đã bắt mạch từ cuộc sống cộng đồng, ứng xử trước “kẻ thù hai chân và kẻ thù bốn chân” như cách nói của K.Marx, và do yêu cầu tất yếu của lịch sử như vậy, đã lan toả ra với tính phổ cập vào từng đơn vị cộng đồng để tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung của cả một cộng đồng dân tộc. Phần thứ nhất Làng võ Bình Định một quá trình phát triển I – Quá trình hình thành vùng Lưu Viễn Châu (1471 - 1578) hay thời kỳ manh nha của võ Bình Định (Còn nữa...)
Võ Sư : Nguyễn Vĩnh Hảo Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định Chủ Nhân : Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa - Bình Định |
(Theo gosanh.vn) |