TRANG CHỦ
    GỐM CỔ GÒ SÀNH
    BẢO TÀNG GỐM GÒ SÀNH
      - Gốm Thờ Tự
      - Gốm Ngự Dụng
      - Gốm Thương Mại
      - Hoạt động và sự kiện
    TƯ LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU
    BÌNH ĐỊNH XƯA VÀ NAY
      - Võ Nghệ
      - Ẩm Thực
      - Văn Học
      - Âm Nhạc
    TỪ TRONG DI SẢN
    ẢNH GOSANH.VN
    VIDEO
    LIÊN KẾT
 Khách Thăm: 000930515
< d>
< d>
< d>
< d>
< d>
 
Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn văn hóa
26.07.2007 18:02 - 2709

Xem hình
Con gái Bình Định - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo
1. Bình Định - Một vùng đất võ

Với đặc điểm, lịch sử, địa lý và dân cư độc đáo, Bình Định trở thành nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư mới, bao gồm dân nghèo từ miền ngoài, chủ yếu là Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư; những dòng họ người Việt hoặc người Hoa rời nơi chôn rau cắt rốn đến đây lập làng tổng mới; những phạm nhân lãnh án lưu đày. Và đây cũng là nơi những người phiêu tán giang hồ chọn làm đất dừng chân. Họ không chỉ mang theo những ký ức sâu thẳm trong hội hè đình đám, trong lời ca tiếng hát, trong cách đối nhân xử thế, mà cả trong miếng võ phòng thân.

Đời sống của người Bình Định xưa đã diễn ra trong sự nâng đỡ đầy hào phóng và cả sự thử thách lớn lao của đất mới. Suốt một thời kỳ dài trong lịch sử, Bình Định là đất phên giậu, là chốn biên thùy phía Nam của Tổ quốc, một miền đất đầu sóng ngọn gió với vô vàn thử thách, hoang vu và bất trắc. Hiện thực ấy buộc những lớp cư dân Việt đầu tiên của Bình Định phải căng mình ra để tồn tại, hơn thế nữa, để xác lập tư thế chủ nhân, không chỉ là người chủ của số phận mình, mà còn là người chủ đất nước. Trong công cuộc khẩn hoang đối mặt với thiên nhiên và dã thú hay trong những cuộc chạm trán giữa các lực lượng đối kháng, giữa người lương thiện và kẻ cướp, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, võ đã hình thành. Tích hợp từ nhiều nguồn, võ Bình Định đã xác lập qua hàng trăm năm chọn lọc, lưu truyền, chảy trong dòng chảy của lịch sử và trở thành một trong những hệ giá trị đặc trưng cho vùng đất.

              Một nền võ học được xác lập không chỉ bằng hệ thống lý thuyết và các bộ môn, các chiêu thức thực hành, mà phải nói đến các võ nhân mà tên tuổi đã vượt khỏi đường viền của một tiểu vùng văn hóa, được giới võ học trong nước biết đến như những đại diện của võ cổ truyền Bình Định.

              Tương ứng với các thời kỳ lịch sử là các giai đoạn phát triển của võ Bình Định.

              Thời kỳ trước Tây Sơn

            Giai đoạn từ 1471 đến 1558 (thế kỷ XV - XVI): Nơi đây có nhiều võ tướng được triều đinh cử đến trấn nhậm, nhưng không thấy sử sách lưu danh. Năm 1558, Nguyễn Hoàng theo lời sấm "Hoành sơn nhất vạn đại dung thân" của Hạng Trình vào Nam, bắt đầu thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Các chúa Nguyễn rất chăm lo chính sự, thu phục nhân tâm, củng cố binh lực tạo thế đối đầu với chúa Trịnh nên nhiều nhân tài văn võ có cơ hội cống hiến. Đất Việt mở rộng dần về phương Nam. Phủ quy Nhơn đã thành một vùng trù phú. Hồi bấy giờ ở đây nổi danh võ nghiệp có Khám lý quận công Trần Đức Hòa, Nguyễn Hữu Tiến, Trương Đức Thường... Họ không chỉ giỏi võ, mà còn là các danh nhân rường cột của một thời, Trần Đức Hòa là một nhà cai trị giỏi, biết trọng hiền tài. Chính ông là người tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Sãi.

              Sang thế kỷ XVII, sự phân hóa mạnh mẽ trong xã hội phong kiến phân quyền cùng với chiến tranh liên miên đã dẫn đến tình trạng ngân khố suy cạn, sản xuất đình đốn. Một số quan trên vơ vét bóc lột, nhân dân đói rách lầm than. Giặc giã, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Chàng Lía lãnh đạo là một trong các cuộc nổi dậy sớm nhất của nhân dân chống áp bức bóc lột trong lịch sử nước ta. Chàng Lía tên thật là Võ Văn Doan, quê ở huyện Phù Ly: "Có người ở phủ Quy Nhơn, ở Phù Ly huyện gần miền Bích Khê" (Vè Chàng Lía). Cha mất sớm, mẹ đưa Lía về quê ngoại ở làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn - tức thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn bây giờ.

              Dưới con mắt của triều đình phong kiến, cuộc nổi dậy này bị coi là "giặc", và nghĩa quân bị coi là một đám cướp. Nhưng trong thực tế, Lía và những người cộng sự của ông đã hoạt động với tinh thần hiệp sĩ: chỉ tấn công và trừng trị những quan tham và nhà giàu độc ác sách nhiễu dân chúng, thực hiện phương trâm "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo". Vì vậy, dân nghèo, đặc biệt là nông dân, theo Lía rất đông. Bằng võ công thượng thặng, Lía đã thu phục được đảng trưởng đảng cướp Truông Mây là Cha Hồ, Chú Nhân. Nghĩa quân của Lía ngoài căn cứ ở Bá Bích (Tây Sơn), có thêm căn cứ Truông Mây (Hoài Ân), mở mang thanh thế, làm chủ một vùng rừng núi liên mảng phía tây phủ Quy Nhơn, khiến cho bọn tham quan ô lại phấp phỏng, quân triều đình ăn không ngon ngủ không yên.

              Giai đoạn chuẩn bị cho phong trào Tây Sơn (đầu thế kỷ XVIII): chính quyền phong kiến càng lúc càng bộc lộ sự thật thối nát. Ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn hiếp vua Lê, ăn chơi xa xỉ. Ở Đàng Trong chúa Nguyễn bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, chính sự tan nát. Trung thần bị bức hại, liên lụy người thân. Dân tình khổ sở, lòng người ly tán. Một vài người mẫn cảm với thời cuộc thay đổi long trời lở đất. Họ không quay lưng che mặt mà tích cực nhập thế, đem hết tâm huyết đào tạo nhân tài cho vận hội mới, được người đời xưng tụng là Tây Sơn tứ danh sư: Đinh Văn Nhưng, Diệp Đình Tòng, Trương Văn Hiến, Trần Kim Hùng.

              Tổ tiên Đinh Văn Nhưng người miền ngoài, từng theo vua Lê cầm quân trấn giữ phương Nam, khi cáo lão bèn đưa gia quyến vào đây khai khẩn đất hoang, ruộng đất của cải nhiều vô kể, nhưng không rõ uẩn khúc gì, lập lời nguyền không cho con cháu bước chân vào chốn quan trường. Buổi đầu Hồ Phi Tiễn - nội tổ của Tây Sơn tam kiệt - từ Nghệ an vào Quy Nhơn lập nghiệp, đã nhận được sự giúp đỡ của họ Đinh. Đinh Văn Nhưng là thầy dạy võ đầu tiên của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tây Sơn tam kiệt dựng cờ khởi nghĩa, ông đem rất nhiều thóc lúa, tiền bạc và cả trường ngựa Bằng Châu hiến tặng.

              Diệp Đình Tòng nguyên là một võ quan triều Lê, chán cảnh chúa Trịnh lấn bức vua Lê, giũ áo từ quan, vân du qua nhiều ngọn núi. Về già ông trú ngụ vùng núi thượng nguồn sông Kim Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, thu nhận Trần Quang Diệu làm đồ đệ, truyền dạy võ nghệ, sở trường môn đại đao.

              Trương Văn Hiến, quê ở Hoan Châu (Nghệ An), là em họ đại thần Trương Văn Hạnh - một trung thần chống đối Trương Phúc Loan, bị tên này bắt giết cả nhà. Trương Văn Hiến phải cải trang đi trốn. Trên đường lưu lạc, ông đã chọn đất An Thái làm nơi dừng chân và mở rộng trường đào tạo cả văn lẫn võ. Học trò ông là những người xuất chúng, hoặc trở thành lãnh tụ hoặc trở thành danh tướng, danh sĩ Tây Sơn: Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Đại đô đốc Đặng Văn Long, Đô đốc Phan Văn Lân, Phò mã Trương Văn Đa, anh em Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh quê Quảng Ngãi (tác giả bộ sử Tây Sơn thư hùng ký), Huỳnh Văn Thuận quê Mộ Đức (tác giả bộ Binh pháp Tây Sơn)...

              Võ sư Trần Kim Hùng, võ nghệ tuyệt luân, về già lập gánh mãi võ để tìm hiền đồ. Trước khi gặp ông, Nguyễn Văn Tuyết là một tay anh chị hoạt động ở chợ Gò Chàm. Ông đã cứu vớt Nguyễn Văn Tuyết khỏi cuộc sống bụi lầm vô lại, đào tạo Nguyễn thành một trang võ hiệp. Nguyễn Văn Tuyết sau theo giúp Nguyễn Huệ, thành đại đô đốc Tây Sơn, có công đại phá quân Thanh.

              Ngoài ra còn có thể kể hai thầy học của nữ tướng Bùi Thị Xuân: Một là Ngô Mãnh người Thanh Hóa, nguyên Đô thống triều Lê, biết chúa Trịnh ghét và có ý muốn trừ mình, bèn mang theo cháu trai là Ngô Văn Sở vượt biển vào Nam. Trong những ngày du thực lang thang, hai ông cháu được Bùi Công (cha của Bùi Thị Xuân) ở Tây Sơn cho tá túc. Cảm ơn tri ngộ, Ngô Mãnh đem hết sở học truyền dạy cho Bùi Thị Xuân. Hai là một bà lão họ Nguyễn ở Anh Vinh, đêm đêm đến dạy nữ tướng Bùi Thị Xuân luyện kiếm.

              Thời kỳ Tây Sơn

            Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, là sự quần tụ của những anh tài võ học gánh vác sứ mệnh cứu nước, được người đời tôn vinh bằng các danh xưng: Tây Sơn thất hổ tướng, Tây Sơn lương tướng, Tây Sơn ngũ phụng thư.

              Tây Sơn thất hổ tướng: Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tù, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.

              Tây Sơn lương tướng: Đặng Văn Long, Đặng Xuân Phong, Ngô Văn Sở, Nguyễn Quang Thùy, Trương Văn Đa, Phan Văn Lân, tù trưởng Bok Kiơm, Cô Hầu (vợ Nguyễn Nhạc), Nguyễn Bảo, Lê Trung, Nhưng Huy, Tư Linh, Phạm Cần Chính...

            Tây Sơn ngũ phụng thư: Bùi Thị Xuân, Huỳnh Thị Cúc, Trần Thị Lan, Bùi Thị Nhạn, Nguyễn Thị Dung.

              Thiết tưởng cũng cần nói thêm rằng thời bấy giờ, Nguyễn Ánh trong thế đối kháng với nhà Tây Sơn, cũng đã chiêu tập một số anh tài trong làng võ Bình Định như Châu Văn Tiếp, Phạm Văn Sĩ, Lê Chất... Và họ cũng trở thành các tướng lĩnh rường cột của nhà Nguyễn.

              Thời kỳ Tây Sơn, võ thuật đạt đến cao trào trong ý nghĩa quật cường và chính khí của một phong trào lịch sử bão táp, thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn lập nên những chiến công vang dội, lật đổ các tập đoàn phong kiến thối nát Trịnh - Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm, 29 vạn quân Thanh. Tên tuổi các võ nhân anh hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn mà tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đi vào lịch sử. Nội hàm mấy chữ võ Tây Sơn không khép kín như một địa danh cụ thể mà được hiểu là võ thuật của một vùng đất, một phong trào vĩ đại, một triều đại huy hoàng trong lịch sử Việt Nam

              Thời kỳ nhà Nguyễn

            Giai đoạn đầu, các đời vua Gia Long, Minh Mạng chủ trương tận diệt Nhà Tây Sơn và trấn áp các phong trào yêu nước liên quan đến Tây Sơn, do đó võ thuật ở Bình Định nói chung và ở đất Tây Sơn nói riêng bị bóp nghẹt. Những  người liên quan đến vua tôi, tướng lính, nghĩa quân Tây Sơn đều bị bắt giết theo nghĩa "làm cỏ". Sử sách Tây Sơn, trong đó bao gồm nhiều pho võ kinh, võ lý bị đốt sạch. Ngục văn tự đè nặng hàng mấy chục năm ròng. Nhưng trong lòng người Bình Định nói chung, người Tây Sơn nói riêng, ánh hào quang rực rỡ của một triều đại anh hùng vẫn không tắt. Đại tư đồ Võ Văn Dũng sau khi vượt ngục đã tìm hai con trai nhỏ của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Đẩu, đưa lên Tây Sơn thượng sống trong các buôn làng của đồng bào dân tộc, tập hợp lực lượng, truyền dạy võ nghệ với hi vọng khôi phục nhà Tây Sơn. Quan quân triều Nguyễn dò biết nhưng lần nào đem quân truy bắt cũng đều bị thất bại. Chúng bèn dùng kế ly gián, cho bọn gian trà trộn vào hàng ngũ nghĩa quân, tìm chỗ hở gây sự hiểu lầm sâu sắc giữa đồng bào với nghĩa quân. Một hôm Võ Văn Dũng có việc đi vắng, bọn gian thừa cơ bắt trói hai con trai Nguyễn Nhạc nộp cho quân Nguyễn. Nghĩa quân sợ Võ Văn Dũng về hỏi tội, phần lo quân Nguyễn tấn công, tự rã ngũ. Buồn vì mưu sự không thành, Võ Văn Dũng bỏ lên Núi Xanh biệt tích.

              Không riêng gì Võ Văn Dũng, nhiều tướng sĩ Tây Sơn vẫn ôm lòng nhớ thời oanh liệt cũ, nhưng tự lượng không đủ sức để xoay chuyển thời cuộc, nên họ đành mai danh ẩn tích. Đô đốc Đặng Văn Long, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc tâm niệm đi theo cờ nghĩa Tây Sơn chính là để thực hiện sứ mệnh cứu nước, chứ không phải phục vụ mưu đồ thâu tóm thiên hạ cho một dòng họ, nay thời vận nhà Tây Sơn đã hết, mọi cố gắng làm cho dài cơn binh lửa chỉ khiến nhân dân thêm khổ. Vì vậy hai ông từ chối lời mời hợp tác của Võ Văn Dũng. Có điều, làm thân hạc nội mây ngàn, nhưng khí tiết con nhà võ không hề mất. Và những thế võ huyền diệu mang linh khí Tây Sơn vẫn chập chờn trong trăng trong gió, trên đồi cuối vực. Những cuộc tranh ngộ sư đệ và lưu truyền tâm pháp, võ thuật vẫn diễn ra khi thì bên khe núi vắng, khi thì dưới một mái hiên chiều hay một vườn chùa u tịch. Ở Bình Định trong những năm dài nặng nề u uẩn ấy, việc dạy võ và truyền khẩu quyết trong buồng kín là chuyện có thật. Võ Bình Định được lưu giữ bằng tim óc, bằng hồn vía, là ngọn lửa ngầm âm ỉ trong dân gian.

              Nhờ vậy mà đến giai đoạn sau, Bình Định vẫn có người thi đỗ tạo sĩ võ (tương đương tiến sĩ bên văn). Thời Cần Vương, có người mặc áo quan văn nhưng khi cần, thoắt một cái đã cầm lấy cung kiếm đao thương, giơ roi giục ngựa cứu nước hộ dân. Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng, Lê Thượng Nghĩa, Đặng Đề, Nguyễn Trọng Trì... là những trường hợp như vậy. Riêng Lê Thượng Nghĩa đã dẫn hàng trăm môn đồ của mình đầu quân dưới cờ Mai Xuân Thưởng. Hiện tượng một lò võ trở thành lực lượng nòng cốt của một phong trào như vậy không phải là hiếm ở Bình Định. Lãnh tụ của các phong trào yêu nước chống Pháp tại Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh Nam Bộ cũng là các võ nhân quê Bình Định: Võ Trứ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương...

              Cuối thời Nguyễn, các võ nhân Bình Định xuất sắc còn lưu danh tiếng có thể kể: Phạm Văn Lý, Võ Văn Trừ, Lê Đinh Lý, Trần Trực, Trần Tân, Trần Diệu... Nỗi người, dù mặc áo vải hay áo giáp, đi dày cỏ hay giày da, đều thực hiện cái lý cao nhất của võ đạo là đánh giặc cứu nước cứu dân.

              Thời kỳ cận - hiện đại

            Đây là thời kỳ hưng thịnh trở lại của võ Bình Định, hình thành các dòng võ lớn nổi tiếng về đặc trưng chuyên môn riêng. Tiền đề của các dòng võ, phải kể đến cách danh sư như Bầu Đê ở Tuy Phước chuyên đánh trường tiên (roi dài, Đội Sẻ ở An Thái nổi danh về quyền cước, Lê Thị Huỳnh Hà ở Tây Sơn sở trường roi Kinh. Cũng cần nói thêm rằng đây là thời kỳ gia tài võ thuật Bình Định không ngừng được bổ sung bởi một số nhân vật từ phương xa vì một lý do nào đó đã chọn Bình Định làm chốn nương thân dưới lốt thương nhân, thầy đồ. Đó là trường hợp Khách Bút ở Kiểng Hàng - một người lầm lũi, hiền lành nhưng đã từng khua đòn gánh, ném mâm đồng vượt vòng vây hàng trăm võ sĩ một cách ngoạn mục. Đó là Hồ Khiêm với đường roi Lạc côn danh bất hư truyền. Đó là trường hợp của một người bạn của Hồ Đức Phổ vốn là tạo sĩ võ, tham gia phong trào Cần Vương, bị triều đình truy nã, đã tìm tới Thuận Truyền ẩn náu như môn khách của Hồ gia.

              Lịch sử với những khúc quanh bất ngờ và những cuộc hội ngộ kỳ lạ đã ban cho Bình Định những bậc nhân tài võ học. Họ đã đem hết tâm huyết truyền nghề và đào tạo nên một lớp võ nhân xuất sắc: Lê Công Trì (tức Hương lễ Nghè), Ba Đề, Năm Nghĩa, Lâm Đình Thọ (tứ Hương kiểm Lài), Đoàn Phong, Mười Kinh, Nguyễn Ngạc (tức Hương mục Ngạc) và Hồ Nhu (túc Chín Ngạnh). Trong thế hệ thứ hai này không thể không kể tới một võ nhân kiệt xuất nữa là Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), người Việt gốc Hoa, được cha mẹ gửi về Trung Quốc học võ rồi mới về lại An Thái.

              Thế hệ thứ ba của thời kỳ này là những đại danh như Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác (tức Hương kiểm Cáo), Hương kiểm Mỹ, Hai Tửu, Mười Đậu, Bầu Năm, Hương kiểm Cương, Xã Nung, Lê Bá Cửu, Lê Thành Phiên, Tạ Thức, Dư Trốn, Hồ Tiền...

              Truyền thống võ học Bình Định tiếp tục được duy trì bởi các võ sư Phan Thọ, Văn Xuân Ngọc, Trần Dần của An Vinh; Sáu Được, Dương Công Đạo, Hồ Sừng, Phan Canh, Bộ Trọng, Mai Xuân Thiện của Thuận Truyền; Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh, Hàm Hữu Nghĩa của An Thái, Lý Thành Nhân của Phương Danh (An Nhơn). Tiếp theo đó là Lý Xuân Hỷ, Đinh Văn Tuấn, Hồ Sơn Kỳ, Kim Dũng, Phan Sơn, Hồ Cương, Kim Thanh, Phan Trường Hận... và miền đất võ vẫn còn lạ bệ phóng của muôn vàn người lớp sau.

              Năm 1471 đến nay, hơn năm thế kỷ trôi qua, giới võ học Bình Định đã lần lượt xuất hiện hàng vạn người làm vinh danh các làng võ cội nguồn bằng tấm lòng son sắt và chân tài thực học. Họ đi qua thế gian này, kẻ thoáng chốc, người lâu dài nhưng tiếng thơm còn lan truyền mãi. Cũng có thể hình dung nền võ học Bình Định là một cánh rừng nhiều thế hệ, mà võ nhân đông đúc tựa những cây bám rễ vượt lên và tỏa bóng trên mặt đất. Cánh rừng - võ lâm Bình Định tàng ẩn trong nó trung trùng huyền thoại.

              Bình Định là một vùng đất võ, đó là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Nhưng võ là một cái gì đó vô hình. Thấy roi, xích, cung, tên, gươm, đao, giáo, mác, bảo đấy là võ ư? Không phải, đấy chỉ là binh khí, vũ khí, tức là khí cụ của võ. Nó là một số tín hiệu, phương tiện của nghề võ dưới dạng vật thể. Võ tồn tại trong những con người bằng xương bằng thịt. Vô thế biến thành hữu thể, khi con người vào cuộc, lâm thế, phải đối đầu, phải xuất chiêu, phải đánh trả hoặc tập luyện, truyền dạy. Vậy khi con người không diễn võ thì võ mất ư? Không phải, võ vẫn tồn tại trong tâm trí, nội lực của họ, có điều kiện là bộc lộ. Nói võ là văn hóa phi vật thể, chính là do tính chất tiềm ẩn, vô hình, biến ảo này vậy.

              Võ Bình Định khởi đầu là những phản xạ phòng thân, được chọn lọc, đúc kết thành đường nét, phép tắc, bài bản, trờ thành một hệ thống giá trị được áp dụng, học tập, nghiên cứu. Trong hành trang văn hóa dân gian Bình Định, dấu ấn "miền đất võ" được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến hội lễ, từ âm nhạc đến vũ đạo, được vận dụng khá nhuần nhuyễn cho một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là hát bội.

              2. Võ cổ truyền trong sự giao thoa với các loại hình văn hóa khác

              Với văn học dân gian

            Dưới thời phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào nếp nghĩ, vậy mà con gái Bình Định cũng được học võ, luyện võ

  Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

              Không chỉ học cho biết, mà còn giỏi võ, có tiếng tăm

  Trai An Thái, gái An Vinh

  Người Bình Định xưa ít nói đến trăng khi thề thốt, ít nói đến hoa khi hò hẹn yêu đương. Cái mà người Bình Định xưa thường vận đến như một vật chứng thiêng liêng là lưỡi gươm vàng.

              Hãy nghe một người nói với một người:

  Em thương anh trầu hết lá lươn

Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay

Dẫu mà cha mẹ có hay

Nhứt đánh nhì đay hai lẽ thôi mà

Gươm vàng để đó anh ơi

Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa

              Hãy nghe một người vợ nói với chồng:

Chàng ơi đưa gói thiếp mang

Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không

  Lại nghe một người dặn dò một người:

  Anh ơi giữ dạ cho bền

Mai sau sắt vụn rèn nên gươm vàng

              Hình ảnh lưỡi gươm vàng vừa khẳng định một tư thế tồn tại quyết liệu vừa giàu chất xả thân. Ở những nơi quá phẳng lặng, chưa từng đối mặt với gian nguy tột bậc, chưa gặp tình huống phải lấy mạng sống để đảm bảo, thì người ta không nhắc tới gươm giáo một cách đau đáu, tin cậy, đầy sự tín chấp như vậy. Điều ấy không thể giải thích đơn thuần vì lý do thẩm mỹ, mà phải đi từ đặc điểm hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử. Trong đó, con người phải trả lời các thử thách quyết liệt bằng nhân cách, bằng sinh mệnh.

              Trong quá trình xác lập tư thế lịch sử, khí phách và tài năng tuyệt vời của các võ nhân Bình Định đã thổi vào văn học dân gian một luồng gió bất tận của huyền thoại. Hãy còn đó những truyền thuyết đẹp như ngọc: chuyện Nguyễn Nhạc được sơn thần ban kiếm, chuyện Nguyễn Huệ bắt đàn ngựa trời để thu phục lòng tin của đồng bào Xơđăng, chuyện Võ Văn Dũng chém sư hổ mang, chuyện Bùi Thị Xuân đả hổ, chuyện Nguyễn Văn Tuyết trộm ngựa chúa Nguyễn tại dinh Tuần phủ... Những câu chuyện dân gian ấy là sự bảo tồn đầy trân trọng của nhân dân đối với những anh hùng đích thực mà họ tôn thời. Trừ những kẻ bị Lía trừng trị, còn tuyệt đại đa số nhân dân trìu mến gọi Lía là Chàng Lía, Chú Lía. Khi Lía sa cơ, phải trốn trong rừng thẳm, được một lão tiều phu nhường cho nắm cơm, ăn xong, Lía dặn ông lão mang đầu mình nộp quan lĩnh thưởng rồi tự chặt đầu đền ơn. Hành động của Lía quá nhanh, lão tiền không kịp cản. Lão tiều vừa khóc vừa ráp đầu Lía vào thân, chôn dưới một gốc cây. Nước mắt của ông lão phải chăng là nước mắt của nhân dân Bình Định dành cho Lía - bởi bất kỳ một người dân Bình Định nào cũng sẽ làm như ông lão - thà sống nghèo khổ chứ không làm việc bất nghĩa. Cuộc đời Lía được kể lại trọng Vè chàng Lía, như một bản anh hùng ca dân dã, đó là tình yêu của Bình Định dành cho một người con ruột thịt của mình.

              Không phải ngẫu nhiên mà người Bình Định dành cho những võ nhân như chàng Lía, Mai Xuân Thưởng những lời vọng tưởng đầy yêu quý. Về Chàng Lía:

  Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành

              Về Mai Xuân Thưởng:

  Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây

Hầm Hô cữ nước còn đầy

Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang

              Bằng lối đi riêng của mình, văn học dân gian đã dẫn dắt lịch sử trở về, bất chấp sự bôi xóa, đốt phá của các thế lực đen tối nhằm trả thù, hay sự rơi rụng vô tình trong quá trình sàng lọc của thời gian. Không gian lịch sử mà văn học dân gian tái hiện là cả một bầu trời rộng rãi, thoáng đạt, ở đó, nổi bật chân dung các võ nhân Bình Định anh hùng, mà nhân cách và hành trạng thấm đẫm lòng yêu nước của họ chính là sự đảm bảo cho giá trị của võ Bình Định trở thành thiêng liêng.

              Võ thuật và hát bội Bình Định

            Với những cơ duyên lịch sử và địa lý, tỉnh Bình Định từ xưa đến nay có quyền tự hào chính đáng là mảnh đất của anh hùng và nghệ sĩ. Ở đây, bao thế hệ kiên cường giữ đất và giữ trong tim mình ngọn lửa nồng nàn tình yêu nghệ thuật. Trên nền tảng của văn hóa dân gian - võ nghệ - thi ca, hát bội đã ra đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Bình Định. Không phải ngẫu nhiên mà những tích tuồng hát bội như Sơn hậu, Hộ sanh đàn, Tam hạn Nam Đường, Cổ thành hội... diễn lại hàng trăm lần vẫn làm say lòng khán giả. Đó là những tích tuồng ngợi ca trung hiếu, thủy chung, tiết nghĩa. Mới hay người xưa không chỉ đến với hát bội như đến với những loại hình nghệ thuật mang tính giải trí đơn thuần, mà thực chất đó là hành trình tìm về những giá trị vĩnh hằng của đạo lý dân tộc. Và người nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu truyền thống mang sứ mệnh thiêng liêng và thể hiện khát vọng mãnh liệt của quần chúng nhân dân, đồng thời truyền đạt những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc của ông cho lớp lớp con cháu hậu sinh. Có thể nói đây là nơi hội tụ và chia sẻ giữa nghìn xưa với nghìn sau, giữa cá nhân nghệ sĩ với cộng đồng xã hội, vượt qua mọi cách bức về thời gian, không gian. Và bằng con đường ấy, dù đi qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn được bảo tồn, vun đắp.

              Nói hát bội là loại hình kịch hát thì chưa đủ, mà phải nói đó là kịch hát - múa. Múa trong hát bội mô phỏng động tác của người và động vật trong đời sống thực. Các động tác này quan hệ mật thiết với làn điệu và văn học tuồng hát, nên nó phải được tiết tấu hóa, khoa trương, cách điệu.

              Múa trong hát bội Bình Định có quan hệ mật thiết với võ cổ truyền Bình Định. Các động tác múa không có đạo cụ trong hát bội như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá, xóc, nhảy thành... được chắt lọc từ các tư thế, động tác võ thuật, từ các bài quyền. Múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy... nhất thiết phải học qua các bài võ có binh khí thì mới có nền tảng để cách điệu, trau chuốt các động tác cho phù hợp, đảm bảo vừa đúng vừa đẹp, vừa khoa học vừa thẩm mỹ. Người sắm vai Ông Đỏ (Quan Công) phải biết đánh đại đao mới có thể múa Thanh Long đao sao cho hùng, uy nhất quán. Người sắm vai Tiết Cương chuyên đánh độc phủ (búa đơn), mà thế chống búa trong bài độc phủ thì phải đứng một chân, còn chân kia co lại đưa lên cao, lòng bàn chân ngửa. Thế đứng này đẹp nhưng khó, nếu diễn viên không hiểu biết võ thuật thì không thể lập bộ vững vàng, huống chi trong khi đứng, còn phải diễn và hát. Kép sắm vai Triệu Khánh Sanh, Cao Quân Bảo đòi hỏi nhuần nhuyễn cách khai thương, khán thương, khoát thương, chỉ thương, khấu thương; trong khai thương lại phải biết khai với, khai chao, khai loan; hay như khi nhân vật chỉ cầm thương chứ không giao tranh cũng phải biết cách cầm thương dắt ngựa, gò ngựa; cầm thương lên ngựa sao cho chặt chẽ, không bị rối mới tạo dáng đẹp, cầm không nên thì hồn thương đi đường thương, ngựa đi đường ngựa, hỏng cả tầm vóc nhân vật lẫn vở diễn. Các vai đào như Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Kỷ Lan Anh múa song kiếm phải thành thạo từ cách khai kiếm, chuốt kiếm, dựng kiếm, bồng kiếm, khấu kiếm - động tác múa phải tròn, kín, nếu là song kiếm thì phải biết lúc nào nên tách, lúc nào nên nhập. Chính vì mối quan hệ giữa võ và múa mật thiết như vậy nên Hậu tổ Hát bội Việt Nam Đào Tấn từng dạy học trò: "Kép hát phải biết võ mới được:.

              Những nguyên tắc mà vũ điệu hát bội phải tuân thủ như cân đối, âm dương, gốc ngọn, mực thước, nhịp nhàng, thật ra rất gần với các thảo võ cơ bản của võ cổ truyền Bình Định, bắt đầu từ bài dễ như quyền Ngũ Hành, roi Thất bộ đến những bài tiêu biểu như Ngọc Trản và roi Thái Sơn. Diễn viên hát bội học múa đều được dạy hai thảo võ cơ bản.

              Các nhân vật được thể hiện trên sân khấu hát bội như Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương... tuy bước ra từ các tích tuồng lịch sử Trung Quốc, nhưng các tác gia hát bội Việt Nam đã phổ vào đó hồn vía Việt. Qua sự nhập vai của các diễn viên tài danh trên sân khấu hát bội Bình Định, cốt cách, tinh thần và võ thuật Bình Định đã hòa quyện và làm nên sức sống lâu bền của vai diễn, lớp diễn, vở diễn. Tiết Cương chống búa, Diễn võ đình, Lão Tạ lăn lửa, Đào Tam Xuân loạn trào... là những lớp diễn tuyệt vời, trong đó võ thuật Bình Định đã nhập vào vũ điệu hát bội để thăng hoa và trở thành bất diệt.

              Võ cổ truyền với lễ hội

            Nếu nhìn từ góc độ văn hóa, thì võ thuật Bình Định là một dạng thức văn hóa đặc biệt có sự tương tác mạnh mẽ với các dạng thức văn hóa khác. Trong sinh hoạt hội hè đình đám của người Bình Định xưa, các cuộc mang tính cộng đồng rộng lớn thường không thể thiếu hai môn hát xướng và võ thuật.

              Nói đến những lễ hội trần đầy tinh thần thượng võ trên đất Bình Định, người ta nghĩ đến ngay lễ hội Tây Sơn. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch. Thực ra, phần lễ với các nghi thức dâng hương, tưởng niệm được bắt đầu tổ chức từ ngày mồng 4 tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ. Sang ngày mồng 5, phần chính bắt đầu với nghi thức kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), tái hiện trận Đống Đa oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn áo đỏ dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Ngày xưa, hội đánh trận giả được tiến hành vào lúc mờ sáng. Tiếng trống trận, tiếng ngựa hí quân reo huyên náo, bóng cờ bay phần phật lúc mờ lúc tỏ, hoàng đế Quang Trung (do một người đóng vai) lẫm liệt đưa kiếm lệnh cất lời hiệu triệu vang rền. Cả một dòng lịch sử cuồn cuộn trở về...

              Khí thế rầm rập, làm dậy lên niềm tự hào thiêng liêng. Người xem hội đổ về từ chiều hôm trước. Già trẻ trai gái chen nhau qua cầu, nhiều người bị lấn rớt xuống sông, bị lấm ướt sây xát mà vẫn hăng hái vui say. Sau phần đánh trận giả, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian thấm đẫm tinh thần thượng võ: hội thế kết nghĩa Kinh Thượng, hội cồng chiêng, các chương trình biểu diễn võ nhạc và võ thuật, trống trận Tây Sơn, đánh côn, quyền, đấu võ...

              Những năm gần đây, lễ hội Tây Sơn được tổ chức quy mô, hoành tráng, trang trọng tại Bảo tàng Quang Trung và sân vận động huyện Tây Sơn. Cầu mới đã xây, người đi hội đông gấp bội nhưng cảnh chen nhau rớt xuống sông không còn nữa. Phần hội cũng không còn cảnh đánh trận lúc mờ sáng, mà được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa rực rỡ với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, học sinh, diễn viên, võ sĩ. Chương trình hội phong phú hơn xưa: về hội thi có thi Trạng nguyên, cờ tướng, cờ người, đua thuyền; về văn nghệ có hát bội, hát hò đối đáp, thả đèn hoa đăng trên sông... Đặc biệt, trống trận Tây Sơn 12 chiếc và các tiết mục biểu diễn võ thuật đã trở thành hồn vía lễ hội: đánh côn, đi quyền, biểu diễn các môn binh khí cổ truyền, đấu võ đài... vẫn là những hình thức văn hóa có sức thu hút và lôi cuốn cao nhất, tạo nên sự cộng hưởng mãnh liệt trong lòng người dự hội

              Bình Định còn có một lễ hội đặc sắc tràn đầy tinh thần thượng võ ở An Thái là lễ hội đổ giàn với những nghi thức dân gian sinh động như rước nước, tắm tượng, đạp động trừ yêu, phóng sinh, chẩn bần, xô cỗ đổ giàn, cướp heo quay, hát án... quả thật là sự hội tụ tưng bừng của nhiều màu sắc, nhiều vẻ đẹp văn hóa hữu thể và vô thể, nhưng sức cuốn hút chính của nó là ở sự tỷ thí võ nghệ một cách sôi động, hết mình. Nhiều người từng chứng kiến lễ hội đổ giàn đầu thế kỷ XX đều kể lại với niềm phấn khích xem lẫn tự hào vô bờ bến. Ông Hồ Diêu, gọi hương mục Ngạc băng ông, hiện còn sống ở An Vinh, thuật những điều mắt thấy tai nghe: "Võ sĩ của các võ đường đổ về An Thái quan sát địa hình suốt mấy ngày trời, rồi ém quân mai phục từ đêm hôm trước. Một số trà trộn trong đám đông đứng xem hội, chờ lễ tế vừa xong, đã thoăn thoắt lên giàn, các võ sĩ canh giàn cản không nổi. Con heo quay trên cỗ xô xuống còn lơ lửng trong không trung đã có người phi thân lên chụp rồi vác chạy. Chụp được đã khó, vác được heo ra khỏi vòng vây càng khó hơn. Vì con heo quay là chiến lợi phẩm danh dự nên các phái võ ra sức tranh giành. Có người giành thì có người cướp. Có người cướp thì phải có người chặn cướp mở đường cho phe mình chạy. Đánh dữ lắm!"

              Những ngón đòn tuyệt kỹ được tung ra. Nào côn nào quyền. Võ tàu võ ta. Gió cuộn cát bay, tiếng hò reo huyên náo cả một v



Trần Thị Huyền Trang (Theo VĂN HÓA NGHỆ THUẬT SỐ 6 - 2007)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



NHỚ MẮM
VÌ SAO BAO TÀNG THIẾU SỨC SỐNG
KIẾN TRÚC TRE VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ
QUÊN NGƯỜI
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỚI QUẢ TIM BẤT DIỆT.
Mắm ruột mà quệt cà giòn...
BIỂN & NỖI NHỚ!
Tản văn cho biển
Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20
TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC VIỆT
Bình thơ: Vua và em - Trần Viết Dũng
Rằm giêng hát bội Phò An
Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Người Bình Định và làng Việt tại Pleiku


© Copyright 2007 - 2023 Gosanh.vn 
BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH VIJAYA - CHAMPA - BÌNH ĐỊNH
Địa chỉ: khu du lịch Bãi Dại - phường Ghềnh Ráng - T/P Quy Nhơn - Bình Định.
Điện thoại: 84.0913472778 - 84.0946940666. Email: museum@gosanh.vn