Gosanh.vn http://gosanh.vn/

Theo dấu nhà cổ
20.01.2008

Nhà lá mái là một loại hình kiến trúc dân gian nổi bật ở Bình Định. Tuy nhiên, nhận diện hiện trạng của di sản này và định hướng trong công tác bảo tồn vẫn là những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Từ số báo này, Báo Bình Định khởi đăng loạt bài về nhà lá mái ở Bình Định, trên trang Văn hóa - Nghệ thuật số thứ Bảy hàng tuần.

Kỳ I: Gặp nhà lá mái ở trung du
    Ẩn dưới những xóm, những làng của vùng trung du Hoài Ân xanh thẳm, là những ngôi nhà lá mái còn lưu giữ lại thật nhiều dáng nét xưa…

* Giữ một nét xưa
Tạt vào nhà của ông Nguyễn Ngọc Anh (thôn Đức Long, xã Ân Đức), ngôi nhà nay đã tường xây, nhưng kết cấu bên trong lẫn cặp mái đều còn nguyên nét cũ (tất nhiên là lớp mái lá đã được thay bằng mái ngói). Cả lẫm thượng, rồi buồng gia chủ phía dưới, vẫn còn được giữ nguyên. Vì kèo lưỡng đoạn (vì kèo hai tầng, nhằm nâng cao mái) được tạo tác thẩm mỹ, trông như một dải sóng, tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn mà vẫn mềm mại cho cả kết cấu gỗ. Ngay như toàn bộ không gian ngôi nhà, nằm giữa một vườn cây rợp bóng dừa, vẫn giữ được nét xưa của không gian nhà lá mái Bình Định, chỉ thiếu thổ kỳ. Hỏi mới hay, hóa ra, trong một trận lụt, thổ kỳ đã bị đổ nên gia chủ đã đưa vào thờ bên cạnh ba chiếc bàn thờ phía trong nhà. 
Ngôi nhà vẫn giữ được hai lớp mái vốn là đặc trưng lớn nhất của nhà lá mái Bình Định. Lớp mái đất (còn gọi là đa cái) đan bằng tre, gọi là khịa, rồi dùng đất nhồi rơm trát lên một lớp dày khoảng 10cm. Lớp mái phía trên, thay vì mái lá, đã lợp lại bằng ngói. Lớp mái thứ hai phần đỉnh cao, tạo độ dốc lớn, thoát nước nhanh. Giữa hai lớp mái có một lớp đòn tay để đỡ rui, mè để móc ngói. Lớp đòn tay mái trong có nhiệm vụ đỡ phần khịa đã trét đất. Ngoài ra, ngôi nhà này còn khá hoàn chỉnh về hệ thống bàn thờ. Mỗi bàn thờ, có tẩm, giường, nghi gần như nguyên vẹn, trông rất nghiêm trang và hoàn chỉnh. Các chi tiết như chồng đùi chạm khắc hình dơi, hoa văn dải lụa, ô khám, các họa tiết trang trí trái đào… rất tinh xảo, chứng tỏ ngôi nhà được làm khá công kỹ.
Nét khác biệt lớn nhất là thay vì trính cối như những ngôi nhà Bình Định khác thì ngôi nhà này chỉ có những con đội và trụ lỏng. Một nét khác nữa là nhà cổ ở Bình Định cũng có mắt cửa, nhưng thường nằm ở vách ván, thì ngôi nhà này, mắt cửa lại nằm ngay cửa chính. Nhiều chi tiết trong ngôi nhà gần đây đã được chỉnh sửa phần nào cho phù hợp với điều kiện sống. Chẳng hạn, ngạo (phần kèo nằm phía ngoài nhà) bắt ra cột hàng ba, nhưng do nhà đã có tường xây, nên cột hàng ba được dỡ đi để mở rộng diện tích của hiên phía trước ngôi nhà. Phần buồng gia chủ dưới lẫm cũng đã dỡ vách ván để cho thoáng hơn.  


Kết cấu bên trong một ngôi nhà lá mái ở Phú Xuân (Tây Sơn).


Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhân ngôi nhà tâm sự, ngôi nhà đã có từ thời ông nội của ông. Đến nay, gia đình ông vẫn giữ lại, càng vẹn nguyên kết cấu cũ chừng nào càng tốt, bởi đây là một hiện vật còn của ông cha. Ngồi ăn cơm với gia đình ông Anh ngay dưới mái hiên của ngôi nhà cũ, nhìn lên những nét chạm khắc, nhìn những chiếc ngạo bắt ra, mà tưởng, đang trở lại nơi một mái nhà xưa, với không gian sống đặc trưng của người Bình Định thời trước. 

* Xóm nhà mái
Thôn Đức Long không chỉ còn mỗi ngôi nhà cổ của ông Anh mà có thể gọi đây là một xóm nhà cổ, bởi chỉ trong một xóm, đã có bốn, năm nhà lá mái. Những ngôi nhà, thấp thoáng dưới những tán dừa, trông cũng bình thường, nhưng một khi tận mặt, mới thấy hết cái độc đáo, công kỹ của nó.
Tạt vào nhà anh Hiến. Ngôi nhà trông vẻ ngoài khá xuống cấp. Mái ngói đã thủng lỗ chỗ, không còn vẹn nguyên kết cấu hai tầng mái như ngôi nhà ông Ngọc Anh. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong, kết cấu khung gỗ ngôi nhà còn khá hoàn chỉnh và có phần hoành tráng. Và xét kỹ từng chi tiết chạm khắc thì ngôi nhà này có vẻ “mộc” hơn.
Chủ nhân ngôi nhà cho biết, có người đã trả 35 triệu đồng nhưng bà vẫn chưa muốn bán. Dường như chủ nhân chỉ dùng ngôi nhà làm nơi tiếp khách, còn lại toàn bộ sinh hoạt gia đình đã chuyển sang gian nhà gạch xây kế bên.
Rời Đức Long, chúng tôi lên Ân Tường Đông. Theo lời người địa phương, nơi đây vốn hãy còn một ngôi nhà lá mái, tất nhiên, chỉ còn kết cấu gỗ. Nhưng khi đến nơi, chỉ còn thấy một nền gạch trống. Nhà đã theo người chủ mới về nơi đâu. Hỏi, chỉ thấy chủ nhân ngôi nhà lắc đầu: bí mật.


Chi tiết chạm khắc một ngôi nhà lá mái ở Hoài Ân.

 
* Ghi dấu một thời phồn thịnh
Sự có mặt khá nhiều những ngôi nhà lá mái ở Hoài Ân cũng là dễ hiểu. Bởi vùng đất này là cửa ngõ của một vùng núi trù phú phía Tây của tỉnh Bình Định. Vùng thượng nguồn sông Kim Sơn này từng nổi danh với trà Cam Khổ, có nghề đi điệu khai thác trầm hương mà đến nay, vẫn còn những thợ tìm trầm còn sống… Chỉ dụ lập huyện Hoài Ân với ba tổng, 61 làng của vua Thành Thái ban năm 1899. Như vậy, hẳn những xóm làng người Việt đã tụ cư ở vùng đất này từ trước đó khá lâu.
Điều thú vị là tại những ngôi nhà lá mái Hoài Ân, ngoài kết cấu hai bộ mái còn giữ lại, ta còn thấy dấu tích của lẫm thượng khá rõ. KTS Nguyễn Khắc Tụng từng cho rằng, lẫm thượng là dấu ấn còn lại của nhà sàn. Sự hiện diện của con đội và trụ lỏng thay vì trính cối hay mắt cửa đặt ở cửa chính thay vì cửa phụ như những ngôi nhà lá mái khác ở Bình Định, có lẽ là do ảnh hưởng của cánh thợ Quảng Nam được đưa vào đây để làm nhà chứ không phải thợ địa phương. Điều này cho thấy sự giao thương đã diễn ra trên vùng đất thời đó.
Cũng nằm trên cửa ngõ lên cao nguyên, là những ngôi nhà lá mái ở Tây Sơn. Một ngôi nhà lá mái chúng tôi gặp ở thôn Phú Xuân, huyện Tây Sơn, quê hương của nữ tướng Bùi Thị Xuân, còn giữ nguyên không gian xưa với chiếc cổng cũ, hàng cau trải dài trên con đường vào nhà, và ngôi nhà chính, nhà dưới khá hoàn thiện. Ngôi nhà trên trăm tuổi, nhưng nay đã được chủ nhân của nó duy tu, nên vừa giữ lại được dáng nét xưa, vừa thuận cho việc sinh hoạt của người đời nay.

Còn tiếp ...



URL của bản tin này::http://gosanh.vn//modules.php?name=News&op=viewst&sid=251

© Gosanh.vn contact: admin@gosanh.vn